T2, 06/07/2020 12:15

Tiền Giang: Nông dân nuôi cá tra phấn khởi do có lợi nhuận khá

Chưa có đánh giá về bài viết

Hơn 1 tháng nay, giá cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang) ổn định ở mức 22.000 – 22.500 đồng/kg, tăng 1.500 – 2.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Dù giá cá tra hiện nay chưa phải nằm ở mức cao nhưng nông dân nuôi cá tra khá phấn khởi do có lợi nhuận ổn định. Một số ao nuôi cá tra trước đây bỏ trống do thua lỗ trong những vụ cá trước thì nay cũng được nông dân cải tạo chuẩn bị thả giống cho vụ cá mới.

Ông Nguyễn Tấn Phong, nông dân có ao nuôi cá tra gần 8.000 m2 ở ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) phấn khởi cho biết, cách đây mấy ngày ông đã thu hoạch ao nuôi cá tra của mình được 450 tấn cá tra với giá bán 22.300 đồng/kg. Với giá cá này, sau khi trừ chi phí gồm con giống, thức ăn, vôi, thuốc trị bệnh, nhân công…, vụ cá này còn lãi hơn 1 tỷ đồng. Đây là vụ cá hiếm hoi thu được lãi khá cao dù biết rằng lợi nhuận so với vốn đầu tư chỉ khoảng 10%.

Tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, ông Nguyễn Văn Thắng, có 07 ao nuôi cá tra với diện tích gần 50.000 m2 cũng vừa mới thu hoạch 03 ao cá được hơn 2.000 tấn cá với giá bán cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu là 22.500 đồng/kg. Do có lợi thế về việc mua thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trực tiếp từ các doanh nghiệp sản xuất với giá thấp hơn giá thị trường, cộng với đội ngũ lao động có kỹ thuật và kinh nghiệm nên giá thành sản xuất cá tra ở hộ nuôi này chỉ khoảng 19.000 đồng/kg. Chính vì vậy mà vụ cá này sau khi trừ hết chi phí sản xuất còn lãi tới gần 8 tỷ đồng.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện nay cá tra của các hộ nuôi trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp thu mua với giá 22.000-22.500 đồng/kg, tăng 1.500 – 2.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, giá thành sản xuất cá tra bình quân của các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh hiện nằm ở mức 21.500 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí người nuôi cá còn lãi khoảng 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đối với các hộ nuôi có vốn, có điều kiện mua thức ăn, thuốc điều trị bệnh trực tiếp từ công ty thì lợi nhuận có thể lên tới hơn 3.000 đồng/kg.

Thời gian qua, trên  địa  bàn  tỉnh  không  có  hiện  tượng  thương  lái  thu  mua  cá  tra nguyên liệu với giá cao. Hầu hết sản lượng cá tra nguyên liệu của các hộ nuôi đều  bán  cho  các  doanh  nghiệp  chế  biến  xuất  khẩu  trong  và  ngoài  tỉnh. Các Doanh nghiệp đã thực hiện lấy mẫu kiểm tra, nếu cá nuôi không nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm thì mới thực hiện hợp đồng mua bán sản phẩm. Ngoài ra, hiện nay, các hộ nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh đã và đang VietGAP cũng đã góp phần hạn chế việc sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm.

Những ngày gần đây, ngoài việc giá cá tra thịt tăng trở lại thì giá cá tra giống cũng tăng lên. Ông Lê Văn Sơn, nông nuôi cá tra ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết, mấy ngày nay giá cá tra giống tăng từ 500 – 550 đồng/con lên 600 – 650 đồng/con đối với cá giống có chiều cao thân hơn 1,7 cm (30 – 50 con/kg). Ngoài việc do giá cá thịt khả quan hơn thì nhu cầu cá giống thả nuôi vụ mới tăng cao khi hầu hết các ao nuôi của nông dân đều đã thả hoạch, chuẩn bị thả cá giống vụ mới trước tình hình giá cá khả quan là nguyên nhân chính khiến giá cá tra giống tăng. Tuy nhiên, nhu cầu từ thị trường đột ngột tăng mạnh nên gần như các cơ sở đều không đủ hàng để đáp ứng.

Dù giá cá tra đã khởi sắc hơn nhưng thời gian qua nhiều nông dân nuôi cá tra nhỏ lẻ bị thua lỗ, không bám trụ được với nghề đã bỏ ao, hay tạm ngừng nuôi hay bán ao cho doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu. Cụ thể, ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, ông Trần Thanh Hồng Hải có 01 ao nuôi cá tra 3.000 m2 đã bỏ ao nuôi cá tra lên Tp Hồ Chí Minh mở quán ăn sau khi thu hoạch khoảng 100 tấn cá tra với giá bán chỉ 20.000 đồng/kg hồi tháng 6/2015. Còn ông Đoàn Văn Thanh, có 2 ao nuôi cá tra với diện tích hơn 5.000 m2 cũng chỉ mới tính đến chuyện thả cá giống vụ nuôi năm 2016 khi thấy diễn biến giá cá tra tốt hơn trong thời gian gần đây.

Trước tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu hiện nay, nhiều chuyên gia ngành hàng cá tra dự báo thời gian tới cá tra nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu có thể thiếu do sản lượng cá tra giảm, từ đó đẩy giá cá tăng. Tuy nhiên, nông dân nuôi cá tra nhỏ lẻ không nên tự ý mở rộng diện tích do đầu ra của cá tra hiện nay vẫn còn bấp bênh. Mặt khác, hiện những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra quy mô lớn đã xây dựng được vùng nuôi cá tra nguyên liệu chiếm 70% sản lượng cá tra của toàn vùng ĐCSCL nên việc thiếu cá trầm trọng sẽ khó xảy ra.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, bà con nuôi cá trên địa bàn tỉnh đã thả giống vụ nuôi mới được 33 ha với 20 triệu giống; thu hoạch 39,9 ha với sản lượng 14.661 tấn. Hiện nay, toàn tỉnh có 87,8 ha ao nuôi cá tra đang thả nuôi. Thời gian nuôi cá tra kéo dài 8 – 10 tháng với năng suất bình quân khoảng 300 tấn/ha.

Thành Công

Sở NN&PTNT Tiền Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!