Ương dưỡng tôm giống trước khi nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Nhiều hộ đang áp dụng phương pháp này, tỷ lệ sống của tôm lên đến 95%.

Giảm tỷ lệ hao hụt

Với người nuôi tôm, nhất là nuôi tôm thẻ chân trắng, thông thường sử dụng con giống Pl10 – Pl12 hoặc (Pl 15). Tôm giống này sau khi bắt ở trại thì được thả trực tiếp xuống ao nuôi nên tỷ lệ hao hụt rất lớn (có thể lên đến 20%), tỷ lệ này còn cao hơn với tôm giống yếu, đóng bao không tốt, vận chuyển quãng đường xa…

Để giảm tỷ lệ hao hụt tôm giống, nhiều người nuôi tôm đã đầu tư ương dưỡng tôm giống trước khi thả nuôi. Phương pháp này được áp dụng ở nhiều nước có nghề nuôi tôm phát triển. Ở nước ta phương pháp này cũng bắt đầu được áp dụng, mang lại hiệu quả cao.

Ương tôm trước khi thả nuôi làm tăng tỷ lệ sống – Ảnh: Phan Thanh Cường

Tôm giống mua từ trại về (Pl10 – Pl15) sẽ được ương dưỡng 10 – 20 ngày. Trong thời gian này, tôm giống được chăm sóc cẩn thận trước khi thả ra ao nuôi. Tôm được ương trong ao vèo, bể xi măng hoặc composite. Theo nhiều người ương tôm giống, chi phí ban đầu khá lớn nhưng hiệu quả cao, bởi người nuôi quản lý, chăm sóc được tôm giống dễ dàng hơn.

Tôm thả nuôi thường chết ở giai đoạn 20 – 30 ngày tuổi, nếu ương tôm vượt qua được giai đoạn này thì tôm sẽ phát triển tốt và giảm được nhiều rủi ro. Nếu tôm có hiện tượng bệnh hoặc kém phát triển thì có thể hủy ao, bể ương đi, sẽ không tốn kém quá nhiều cho người nuôi.

 

Lưu ý khi ương tôm giống

Ương tôm giống thường thả với mật độ cao nên phải chú ý nguồn cung cấp ôxy cho ao vèo, bể. Đối với các ao vèo, ngoài hệ thống quạt nước cần lắp đặt thêm hệ thống ôxy đáy.

Ao vèo hay bể cần có hệ thống mái che bằng lưới cản nắng mưa để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết trong thời gian ương nuôi, hạn chế được sự phát triển của tảo… Hệ thống lưới che và bao quanh còn hạn chế được sự xâm nhập của địch hại (chuột, rắn, chim…).

Đối với ao vèo, đáy ao nên được trải bạt hoàn toàn, để hạn chế ảnh hưởng của xì phèn, pH thấp, mầm bệnh…

Cho ăn và chăm sóc giống như tôm mới thả nuôi trong ao. Đối với ương trong bể, hằng ngày có thể xi phông đáy bể để loại bỏ thức ăn thừa, tôm chết.

Kiểm tra theo dõi các yếu tố thủy lý, thủy hóa trong ao, bể để có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong quá trình ương, người nuôi cần phải tính toán thời gian hợp lý, sao cho đến khi hết thời gian ương thì ao nuôi hoàn tất để có thể thả tôm xuống cho kịp thời.

Trọng Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!