5 quốc gia sản xuất tôm nhiều nhất châu Á

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), Hiệp hội nuôi trồng thủy sản các quốc gia và nhiều khảo sát từ các nhân vật quan trọng trong ngành, sản lượng tôm nuôi thế giới trong năm 2012 ước đạt 3,188 triệu tấn, trong đó châu Á chiếm khoảng 86% sản lượng toàn cầu, đạt 2,762 triệu tấn. Điều này cho thấy, châu lục này đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất tôm của thế giới.

1. Trung Quốc

Từ lâu Trung Quốc đã vượt qua tất cả các nước khác để trở thành quốc gia dẫn đầu về sản xuất nuôi tôm khi chiếm đến 38% sản lượng tôm thế giới. Năm 2010, sản lượng tôm của Trung Quốc đạt 899.600 tấn, năm 2011 đạt 962.000 tấn và dự kiến trong năm 2012 sẽ đạt 1,048 triệu tấn. Vùng nuôi tôm nhiều nhất ở Trung Quốc là các tỉnh Quảng Tây và Quảng Ðông do có khí hậu ấm và nguồn cung cấp nước dồi dào.

Hiện, xây dựng xưởng sản xuất tôm đang trở thành một xu hướng mới ở Quảng Tây, nơi vốn có nghề nuôi tôm ngoài trời rất phát triển. Mặc dù việc xây dựng này khiến giá thành sản xuất cao hơn rất nhiều so với loại hình sản xuất cũ là nuôi trong các ao đất nhưng bù lại việc quản lý lại dễ dàng hơn, đồng thời giảm thiểu được ô nhiễm nước và các tổn thất do dịch bệnh.

 

2. Thái Lan

Thái Lan là nhà sản xuất tôm lớn thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc và sản xuất cả ba loại tôm là tôm thẻ, tôm sú và tôm càng xanh. Năm 2011, Thái Lan đã sản xuất 553.200 tấn tôm. Dự kiến năm 2012, con số này sẽ tăng lên 591.500 tấn. Tuy nhiên, giới thương nhân nước ngoài tin rằng, sản lượng tôm của Thái Lan trong năm nay có thể đạt 700.000 tấn, còn theo dự đoán của Hiệp hội Tôm Thái Lan, con số này là 670.000 tấn.

Panisuan Jamnarnwej, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm đông lạnh Thái Lan (TFFA) cho rằng, sự thành công trong xuất khẩu thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng của Thái Lan một phần là do những nỗ lực đáng kể của Chính phủ Thái Lan, phần khác là do ngành thủy sản nước này trong thập kỷ qua đã đảm bảo được các tiêu chuẩn, đáp ứng những kỳ vọng của thị trường quốc tế về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và các quy định về lao động… trong sản xuất và chế biến.

3. Việt Nam

Đứng ở vị trí thứ 3 trong top 5 các quốc gia châu Á dẫn đầu về sản xuất nuôi tôm, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có nhiều tiềm năng để phát triển nghề này. Thực tế đã cho thấy, sản lượng tôm của Việt Nam tăng mạnh, từ 376.700 tấn năm 2007 đến 403.600 tấn trong năm 2011 và dự kiến sẽ đạt 444.500 trong năm 2012.

Nghề nuôi tôm ở Việt Nam đã đem lại lợi nhuận cao, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế xã hội…, từ đó hạn chế sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật biển. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, nghề này cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức như: Quy hoạch vùng nuôi chưa đồng bộ; Nỗi lo dịch bệnh ngày càng tăng; Chất lượng tôm giống sạch bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người nuôi; Công tác quản lý thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản, công tác kiểm dịch con giống, vấn nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn…

* Được tính theo tấn khối, không bao gồm tôm nước ngọt (Macrobrachium spp) – Nguồn: The Global Aquaculture Advocate

4. Indonesia

Nằm ở cực Nam của châu Á, giữa Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Indonesia là một đất nước rộng lớn với diện tích 1.919.440 km2 và là quốc gia có nhiều đảo nhất trên thế giới, với 17.508 hòn đảo lớn nhỏ, dân số khoảng 237 triệu người, đứng thứ tư thế giới.

Năm 2011, giá trị xuất khẩu tôm của Indonesia đạt 1,2 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước này lên 3,3 tỷ USD. Trong năm 2012, “đất nước vạn đảo” đang hướng đến mục tiêu sản xuất 442.757 tấn tôm, tăng hơn so 390.631 tấn trong năm 2011 và đặt tham vọng đạt 2 tỷ USD cho xuất khẩu tôm. Mỹ, Nhật Bản và châu Âu là những thị trường xuất khẩu chính của tôm Indonesia, chiếm 90% sản lượng tôm của nước này.

 

5. Ấn Độ

Với sản lượng tôm đạt 107.737 tấn trong năm 2011 và dự kiến đạt 116.103 tấn trong năm 2012, Ấn Độ xứng đáng đứng ở vị trí thứ 5 trong top các quốc gia châu Á dẫn đầu về sản xuất tôm.

Cơ quan Phát triển Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (MPEDA) dự đoán, sản lượng tôm thẻ chân trắng của nước này năm 2012 có thể đạt 60.000 tấn, gấp hai so với năm 2011. Tuy nhiên, nhiều dự báo khác lại cho rằng, con số này có thể là 100.000 tấn.

Ấn Độ đang triển khai một số chính sách như kiểm soát việc nhập khẩu tôm thẻ chân trắng bố mẹ, kiểm soát ao nuôi tôm, tăng sản lượng tôm theo hướng chậm mà chắc do lo ngại sự gia tăng nhanh chóng có thể phát sinh dịch bệnh cũng như các vấn đề vệ sinh và quản lý khác. Mặc dù vậy, sản lượng tôm  thẻ chân trắng của nước này vẫn sẽ tăng trong thời gian tới.

Lam Dương - An Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!