(TSVN) – Được mệnh danh “thủ phủ tôm” của cả nước, Bạc Liêu có nhiều mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh hiệu quả. Tuy nhiên, song song với đó nuôi tôm cũng đã và đang gây ra những vấn nạn về môi trường. Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu đang nghiên cứu, hoàn thiện giải pháp bảo vệ môi trường trong nuôi tôm.
Bạc Liêu có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 140.000 ha, cho tổng sản lượng nuôi trồng đạt trên 295.000 tấn/năm. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng báo động hiện nay chính là sự phát triển nóng của con tôm, nhất là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã kéo theo vấn nạn ô nhiễm môi trường. Hiện các địa phương có diện tích lớn về nuôi tôm lớn gần như “bó tay” với việc xử lý nước thải từ các mô hình nuôi này.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đang được ngành chức năng khuyến khích nhân rộng tại Bạc Liêu và khu vực ĐBSCL. Ảnh: Bình Nguyên
Trong vài năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm ở ấp Bửu 2 (xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải) thay nhau “mất trắng”. Đó là sự phát triển quá nhanh của các mô hình nuôi tôm tự phát, trong khi hệ thống kênh thủy lợi bị bồi lắng nhanh và không đủ nước cấp cho con tôm. Hiện, xã Long Điền Đông là địa phương có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất huyện Đông Hải với khoảng 320 ha. Một thời gian, tôm nuôi của người dân tại xã thay nhau bị thiệt hại và có hộ lỗ cả trăm triệu đồng. Nguyên nhân chính là không đủ nước để nuôi tôm, tôm chết nên mạnh nhà nào nhà nấy xả nước ô nhiễm ra kênh nội đồng, mặc dù hệ thống kênh thủy lợi rất cạn và cứ chảy đi, chảy lại chứ không thoát ra ngoài. Thế là cả xóm phải chấp nhận lấy “nước kho”, nghĩa là nguồn nước bị ô nhiễm ấy cứ được lấy vào phục vụ cho nuôi tôm mới, khi tôm bị chết lại thải ra và hộ khác lại lấy vào, khiến dịch bệnh tôm càng bùng phát mạnh.
Không chỉ địa bàn huyện Đông Hải mà nhiều dự án thủy lợi khác ở vùng Nam QL 1A cũng trong tình trạng tương tự. Thủy lợi phục vụ nuôi tôm thì bức xúc, nhưng qua thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, hệ thống kênh mương thủy lợi hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu nước cho con tôm, trong khi lượng nước thải từ con tôm cứ tăng theo cấp số nhân.
Theo tính toán của ngành tài nguyên và môi trường, thông thường các ao nuôi tôm công nghiệp có chiều sâu mực nước từ 1,3 – 1,5 m. Như vậy, với hơn 20.000 ha nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp ở khu vực ven biển, mỗi vụ sẽ phát sinh khoảng 2.600 triệu m³ nước thải ra môi trường. Trong khi đó, nước thải sau vụ nuôi tôm chứa nhiều vi sinh vật gây bệnh như: Vibrio, Aeromonas, E.coli, Pseudomonas, Proteus, Staphylococcus…, cùng nhiều loại nấm và nguyên sinh động vật không được xử lý triệt để thải thẳng ra nguồn nước tiếp nhận, gây ô nhiễm nguồn nước, lan tràn dịch bệnh và gây nên thiệt hại trên diện rộng.
Nhóm tác giả thuộc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu nghiên cứu, hoàn thiện giải pháp thu gom, xử lý chất thải (phân tôm) tuần hoàn nước trong mô hình nuôi tôm siêu thâm canh. Các giải pháp này hình thành cơ sở khoa học kết hợp kinh nghiệm sản xuất thực tiễn: tính toán lượng thức ăn/chất thải trong ngày của tôm, nghiên cứu vòng đời phát triển của tảo, của vi sinh vật có trong ao/ hồ nuôi, cơ chế hoạt động của men vi sinh và tình hình thực tế trong ao/hồ nuôi như các chỉ số: pH, độ kiềm, chỉ số Ca, Mg, NH3/NH4, H2S, hàm lượng ôxy hòa tan… để sử dụng các chế phẩm sinh học, các loại thức ăn đúng cách, đúng liều và tiến hành thay nước, xiphong thu gom, xử lý chất thải đúng lúc.
Với nguyên lý hoạt động của hệ thống là khép kín: (1) Nguồn chất thải, nước thải khi thay nước, xiphong được quản lý theo hệ thống dây chuyền tuần hoàn và tái sử dụng nguồn nước. Do vậy, đã tiết kiệm được năng lượng, thời gian bơm, lắng nước từ nguồn nước cấp bên ngoài cũng chi phí sử dụng các loại khoáng, vi sinh… để xử lý trước khi có thể sử dụng cho ao/hồ nuôi. (2) Nguồn chất thải được thu gom và sử dụng máy ép phân tôm để ép khô, phối trộn men vi sinh, phụ gia làm phân bón hữu cơ hoặc sử dụng nuôi các đối tượng nuôi trồng khác (nuôi Artemia, trùng chỉ, cá rô phi…), vừa giúp ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất theo hướng hữu cơ, sản xuất xanh góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, vừa giảm ô nhiễm môi trường, giảm lượng phát thải CO2.
Giải pháp được đánh giá là hữu ích, tạo ra nhiều ưu thế, cơ bản đã giải quyết được những vấn đề cấp bách hiện nay là xả thải gây ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh. Giải pháp đã chuyển giao thực hiện hiệu quả tại Công ty TNHH Công nghệ sinh học Trúc Anh; HTX Artemia Vĩnh Châu – Bạc Liêu; HTX Dịch vụ NTTS 30/4….
Ngọc Diệp