Vùng biển Quảng Ninh là một trong những nơi có trữ lượng sứa lớn trong cả nước và một trong những vùng biển hiếm hoi chứa đựng lượng sứa ít độc nhất ở Việt Nam hiện nay. Vì thế, vào thời gian từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm ngư dân trên các địa bàn khu vực Cô Tô, Vân Đồn, Hải Hà bước vào mùa khai thác sứa. Tuy nhiên, với việc phát triển tự phát, thiếu sự quản lý chặt chẽ đã không nâng cao được giá trị kinh tế của nghề, lại còn có nguy cơ tác động xấu tới môi trường.
Khi tiềm năng được phát huy
Theo cơ quan chuyên môn, nghề khai thác sứa xuất hiện trên địa bàn từ những năm 2000, song không được khuyến khích vì sự ảnh hưởng đến môi trường, thậm chí có lúc còn bị cấm. Nhưng từ năm 2005, khi có sự tham gia của các chuyên gia chế biến sứa đến từ Trung Quốc thì nghề khai thác và chế biến sứa ở Quảng Ninh bắt đầu phát triển, đặc biệt là từ năm 2007. Số lượng tàu thuyền, lao động tham gia khai thác và các cơ sở thu mua sứa xuất hiện ngày càng nhiều và cũng nhờ mùa sứa kéo dài gần 4 tháng đã phần nào giảm áp lực khai thác các đối tượng ven bờ đang mùa sinh sản, góp phần tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đặc biệt là những vùng cấm khai thác có thời hạn. Theo số liệu thống kê của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (Sở NN&PTNT), mỗi vụ sứa, toàn tỉnh có hơn 4.000 tàu thuyền, bè mảng hoạt động khai thác sứa; 115 cơ sở thu mua, chế biến sứa, chủ yếu tập trung tại các địa phương: Vân Đồn, Cô Tô. 2 địa phương này được thiên nhiên ưu đãi có nhiều xã đảo và cửa biển nơi mỗi khi gió nam nổi lên là sứa tập trung lại các vùng cửa biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác. Qua theo dõi cho thấy, sản lượng khai thác sứa hàng năm đều tăng, địa phương tăng mạnh nhất là huyện Cô Tô sản lượng năm 2011 tăng gấp hơn 7,14 lần so với năm 2007. Huyện Vân Đồn và Hải Hà hàng năm sản lượng sứa cũng tăng từ 1 – 2 lần so với năm trước. Năm nay, do mùa sứa đến muộn hơn các năm và mật độ sứa thấp nên sản lượng sứa khai thác đã giảm hơn so với cùng kỳ trên 8.200 tấn. Mặc dù giá một đầu sứa năm nay cao hơn hẳn các năm trước, dao động từ 70.000 – 90.000 đồng (năm ngoái 20.000 – 30.000 đồng) song với sản lượng thấp, vụ sứa năm nay sẽ đạt hiệu quả kinh tế thấp. Tính đến thời điểm này, bà con ngư dân trong tỉnh đã khai thác được hơn 2.180 tấn sứa.
Sơ chế sứa khai thác trên Vịnh Hạ Long
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nay số lao động hoạt động khai thác hải sản trên toàn tỉnh là 28.562 người, trong đó lao động hoạt động tại các vùng nước ven bờ là 27.925 người, chiếm hơn 97,7% tổng số lao động nghề cá của tỉnh. Việc lao động trong lĩnh vực thuỷ sản tăng mạnh trong những năm gần đây một phần do sự phát triển mạnh của nghề khai thác sứa. Do nghề này có vốn đầu tư thấp, chi phí sản xuất không lớn, ngư cụ và kỹ thuật khai thác đơn giản.
Hậu khai thác bị bỏ ngỏ
Tuy nhiên cũng theo đánh giá của ngành chức năng, hiện nay lao động trong nghề khai thác hải sản nói chung và nghề khai thác sứa nói riêng hiện tại đang phát triển theo kiểu tự phát, phụ thuộc vào thời vụ từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, cơ cấu lao động, năng suất, hiệu quả kinh tế của nghề.
Trên thực tế hiện nay các xưởng chế biến sứa tại Quảng Ninh mới chỉ thực hiện ở khâu sơ chế ban đầu (người Trung Quốc đảm nhiệm kỹ thuật) sau đó chuyển sang Trung Quốc mới chế biến thành sản phẩm hoàn thiện. Chính vì thế giá trị kinh tế của nghề khai thác, sơ chế đạt rất thấp. Nếu được đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến sản xuất sứa từ khâu sơ chế cho đến khi thành sản phẩm hoàn thiện thì người dân lao động sẽ yên tâm, ổn định chủ động sản xuất, không phải chịu bấp bênh như hiện nay.
Hiện nay, các sản phẩm sứa của Việt Nam nói chung và sản phẩm sứa từ Quảng Ninh nói riêng đã có mặt trên nhiều thị trường khác nhau từ tiêu thụ nội địa đến xuất khẩu vào thị trường Châu Âu và tập trung nhiều tại Trung Quốc. Tuy nhiên đến nay, trong tổng số hơn 100 cơ sở thu mua và chế biến sứa mới chỉ có Công ty TNHH Du lịch và Khách sạn Phúc Hiền (Vân Đồn), đơn vị tiên phong trong việc thu mua chế biến và bao tiêu sản phẩm cho ngư dân. Công ty đã ký kết hợp đồng liên doanh với Tập đoàn Long Hải – Trung Quốc xuất khẩu sứa đã qua sơ chế sang nhà máy của Trung Quốc. Tại đây sứa được chế biến theo dây chuyền công nghệ cao thành sản phẩm sứa ăn liền cao cấp, được đóng gói hoàn thiện rồi lại nhập khẩu về thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, theo nhận định của ngành chức năng, do chưa được quản lý chặt chẽ nên nghề khai thác sứa, đặc biệt là các xưởng sơ chế và chế biến sứa đã có những biểu hiện ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường cũng như đối với chính sự phát triển bền vững của nguồn lợi sứa trên vùng biển Quảng Ninh. Ông Đỗ Đình Minh, Trưởng Phòng quản lý Khai thác (Chi Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản) cho biết: Qua quan sát các chỉ thị sinh học xung quanh khu vực khai thác, sơ chế sứa vào mùa vụ tập trung khai thác và sơ chế xuất hiện một số bãi cây sú chết, liệu có hay không liên quan đến sự biến đổi chất lượng nước khi rất nhiều xưởng sơ chế và một khối lượng không nhỏ công nhân tập trung trên một không gian chưa được cơ quan chuyên môn quy hoạch. Chưa có một cơ sở khoa học nào khẳng định được lượng phát thải từ các xưởng sản xuất (lượng chất hữu cơ do phần dư thừa các bộ phận của con sứa thải ra, các phụ gia hoá chất sử dụng trong quy trình sơ chế sản phẩm, dầu máy từ tàu thuyền khai thác tập trung…) ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường và nguồn lợi thuỷ sản khu vực này.
Khai thác và chế biến sứa đã mang lại nguồn thu nhập quan trọng và góp phần xoá đói giảm nghèo, góp phần tăng nguồn thu cho xã hội. Để nâng cao tính bền vững của nghề khai thác và chế biến sứa cần phải có một cơ chế quản lý chặt chẽ hơn từ khâu khai thác đến thu mua, chế biến. Đặc biệt ngành chức năng cần đánh giá ảnh hưởng từ các cơ sở này đến môi trường xung quanh; công tác quản lý môi trường cần được tăng cường nhằm đảm bảo khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học nguồn lợi thuỷ sản trên vùng biển.
Hữu Việt
Theo Báo Quảng Ninh