(TSVN) – Các nhà nghiên cứu tại châu u đã tìm thấy vi nhựa trong bột cá, dấy lên lo ngại về an toàn thức ăn thủy sản, đồng thời kêu gọi ngành này dừng sử dụng nhựa càng sớm càng tốt.
Đã hơn một thập kỷ kể từ khi hồi chuông cảnh báo bắt đầu rung lên về thực trạng ô nhiễm vi nhựa trong nước, trên bờ biển và khắp mọi ngóc ngách của đại dương.
Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm hiểu chính xác những thủ phạm vi nhựa đang tràn lan từ các mảnh nylong, polyethylene, polypropylene và nhóm các polymer khác. Nhưng những gì mà họ chắc chắn cho đến nay đó chính là ô nhiễm vi nhựa đã xảy ra trên toàn cầu, đe dọa hàng ngàn sinh vật dưới nước trong môi trường tự nhiên.
Hiện, các nhà khoa học đã tăng cường cảnh báo về sự lan rộng của ô nhiễm vi nhựa tới các trại nuôi thủy sản. Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Aquaculture đã cảnh báo rằng vi nhựa không chỉ đơn thuần gây ô nhiễm môi trường tự nhiên, mà chúng đang len lỏi vào các trại nuôi những loài thủy sản chủ lực như lươn, cá hồi, cá trout, tôm, cá da trơn, rô phi và thậm chí cả bột cá.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập được 26 mẫu bột cá công nghiệp khác nhau từ hơn chục quốc qua và đã tách riêng sợi, xơ, và các mảnh nhỏ vi nhựa trong từng mẫu bột cá này. Kết quả, bột cá của Trung Quốc có lượng vi nhựa cao nhất, trong khi các mẫu bột cá từ Na Uy và Hàn Quốc lại tương đối thấp. Nếu so sánh, bột krill từ Nam Cực không hề bị nhiễm vi nhựa nhưng vi nhựa được phát hiện đầu tiên trong băng biển Nam Cực. Thậm chí khoảng cách xa xôi của Nam Cực với con người cũng không thể giúp khu vực này ngăn chặn được ô nhiễm vi nhựa.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện các polyethylene và polypropylene, trong đó có những mẫu nhỏ hơn 5 mm trong các mẫu bột cá. Ảnh: Sedat Gundogdu, Đại học Curkova
Một vài nơi trên đại dương không khác gì “nồi canh nhựa”. Nếu đánh bắt cá tại những khu vực này thì chắc chắn con cá đó sẽ chứa vi nhựa, theo Sedat Gundogdu, chuyên gia sinh học biển tại Đại học Curkova, Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều ngạc nhiên ở đây là các mảnh vi nhựa không chỉ có trong bột cá. Giovanni Turchini, giáo sư tại Đại học Deakin, Australia cho biết, nếu kiểm tra các nguyên liệu thức ăn khác, thậm chí nguyên liệu có nguồn gốc trên cạn, rất có thể chúng ta sẽ phát hiện thấy vi nhựa.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác khu vực khai thác cá cơm, các trích, thu mackerrel, capelin và nhiều loại cá nổi khác đang ô nhiễm vi nhựa. Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng các loài cá nổi tự nhiên không phải là nguồn nhiễm vi nhựa duy nhất trong bột cá. Những nguyên nhân khác cần phải cân nhắc như quá trình đóng gói, sản xuất, bảo quản bột cá.
Veronique Jamin, người phát ngôn của Hiệp hội bột cá, dầu cá thế giới cho rằng nhiều loài cá nổi nhỏ được sử dụng để sản xuất bột cá, dầu cá thường có vòng đời ngắn, có nghĩa khả năng nhiễm vi nhựa sẽ thấp hơn các loài cá khác. Dù vậy, Jamin cũng nhận định thách thức vi nhựa đang là vấn đề của toàn cầu và ảnh hưởng đến toàn chuỗi cung ứng thủy hải sản.
Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng, quy trình sản xuất bột cá gồm nhiều công đoạn từ làm chín, nén, làm khô, làm lạnh, tiếp đến là đóng gói, bảo quản và vận chuyển. Tất cả các khâu này đều có nguy cơ nhiễm vi nhựa. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ tiến hành nghiên cứu trên các mẫu sản phẩm lớn hơn, để sớm công khai kết quả chính xác nhưng theo họ điều đầu tiên mà ngành nuôi thủy sản nên làm ngay lúc này là dừng sử dụng nhựa.