(TSVN) – Đây là một trong những quan điểm tại Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký phê duyệt tại Quyết định số 1142/QĐ-TTg đầu tháng 10 vừa qua.
Quyết định số 1142/QĐ-TTg ngày 2/10/2023 nêu rõ: Cùng với nông nghiệp, tỉnh Trà Vinh cũng lấy kinh tế biển làm động lực phát triển; phát triển kinh tế – xã hội, kinh tế biển gắn với bảo vệ tài nguyên và bảo đảm nguồn nước; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, áp dụng các mô hình kinh tế mới, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong các ngành trồng trọt, nuôi trồng thủy, hải sản; dịch vụ logistics…
Nhiều nông dân Trà Vinh lựa chọn mô hình nuôi cua biển trong rừng ngập mặn. Ảnh: ST
Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đạt khoảng 11,5%/năm; trong đó ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3,32%/năm; Tỷ trọng trong GRDP nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 17,98%.
Tỉnh Trà Vinh sẽ phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tuần hoàn, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ và thích ứng với biển đổi khí hậu. Trong đó, lĩnh vực thủy sản sẽ chú trọng nuôi trồng thủy sản tập trung, công nghiệp, công nghệ hiện đại; phát triển mạnh vùng nuôi chuyên canh cho các sản phẩm chủ lực.
Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế biển, trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo; phát triển dịch vụ thương mại và du lịch biển; kết hợp khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
Cũng trong Quy hoạch này, tỉnh sẽ tổ chức không gian khu vực nông thôn theo 3 vùng gắn với sản xuất nông nghiệp. Trong đó: Vùng ngọt: Tập trung phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, thâm canh, quy mô lớn; cải tạo, nâng cấp, mở rộng các vườn cây ăn trái đặc sản và cây dừa thành vùng tập trung, chuyên canh, quy mô lớn, chất lượng cao; chú trọng phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch sông nước.
Vùng ngọt và lợ: Chuyển diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang các cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản; phát triển sản xuất lúa đặc sản, lúa hữu cơ chất lượng cao; các loại rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày; phát triển đàn vật nuôi có lợi thế và các loại thủy sản thế mạnh.
Vùng mặn và lợ: Phát triển nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản; bảo vệ và củng cố các khu rừng phòng hộ chắn sóng ven biển, ven cửa sông; phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn kết hợp với nuôi thủy sản sinh thái, nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao và du lịch biển.
PV