(Thủy sản Việt Nam) – 2011 tiếp tục là một năm thành công của sản xuất tôm Việt Nam và đặc biệt hơn, ngành tôm nước nhà còn ghi nhận sự đóng góp của nhiều mô hình nuôi tôm hiệu quả cao. Trong đó, phải kể đến tỉnh Bạc Liêu, vùng đất có nhiều tỷ phú nuôi tôm.
Ông Phan Thanh Châu – Thành công nhờ nuôi tôm theo quy trình sinh học
Ở tuổi gần 60 với dáng rắn chắc của lão nông, ông Phan Thanh Châu ở ấp Giáp Nước, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu rất thận trọng trong việc đầu tư nuôi tôm công nghiệp. Chính điều đó đã giúp ông vượt qua những khó khăn ban đầu và vươn lên gặt hái thành công nhiều năm liền.
Năm 2000, phong trào nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp ở TP. Bạc Liêu bắt đầu phát triển mạnh, ông Châu cũng bị cuốn theo. Năm đó, ông chuyển đất làm lúa của mình sang nuôi tôm bán công nghiệp. Với 1 ha đất đang canh tác lúa ông ủi đất cải tạo làm 4 ao nuôi tôm, trong đó ông dành 1 ao làm ao lắng, mỗi ao rộng từ 2.000 – 3.000m2. Do ban đầu chưa nắm vững kiến thức kỹ thuật nên tôm nuôi chậm lớn, chi phí cao, lãi ít, tôm của ông đôi khi bị rớt đáy, trong những năm đầu ông sử dụng hóa chất để xử lý nhưng tôm bị bệnh vẫn không hết.
Ông Phan Thanh Châu kiểm tra sự tăng trưởng của tôm
Để nâng cao kiến thức kỹ thuật, tăng sản lượng tôm nuôi và giảm hao hụt cho quá trình nuôi, ông Châu không ngừng tìm tòi, học hỏi ở sách vở, đồng nghiệp nuôi tôm đi trước và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật từ cán bộ thuật khuyến ngư truyền đạt. Từ đó, ông củng cố thêm niềm tin vào nghề nuôi tôm công nghiệp. Qua nhiều năm phấn đấu, ông đã đưa được sản lượng tôm nuôi công nghiệp tăng lên, năm sau cao hơn năm trước. Trung bình mỗi năm ông Phan Thanh Châu thu lãi trung bình từ 200-250 triệu đồng. Với diện tích ban đầu từ 1 ha đến nay diện tích nuôi mặt nước của ông lên được 3 ha, ông chia làm 12 ao nuôi tôm, trong ba năm ông nuôi 2 vụ để cho ao được sạch hơn trong quá trình nuôi. Ông Châu cho biết từ 6 năm trở lại đây, ý thức được việc sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi, ông luôn sử dụng chế phẩm định kỳ, trong việc giữ vững ổn định môi trường. Được hỏi trong nuôi tôm yếu tố nào là quan trọng nhất, ông cho biết yếu tố thời tiết và quản lý môi trường tốt là quan trọng nhất, nhưng ta quản lý được 2 yếu tố này mà quên đi chất lượng con giống là cũng không được… Ông cho biết thêm việc sử dụng vi sinh trong nuôi tôm an toàn hơn hóa chất, kháng sinh. Cụ thể là khi môi trường nước không đẹp, đáy ao bẩn thì ta sử dụng vi sinh tốt hơn là dùng hóa chất, điều quan trọng là việc sử dụng vi sinh trong khi nuôi sẽ giảm chi phí nuôi nhiều hơn là việc sử dụng hóa chất.
Vụ tôm năm 2010 mới đây, vì “tuổi cao, sức yếu” không người chăm sóc cho tôm nên ông sang đất cho người khác bớt, ông chỉ để lại 7 ao nuôi, mỗi ao nuôi chia làm 1.500m2/ao, mật độ ông thả ban đầu từ 25-30 con/m2, thời gian nuôi từ 5 – 6 tháng, ông Châu thu được trên 6,5 tấn tôm với cỡ tôm từ 28 – 30 con/kg, giá bán mỗi kg trung bình từ 170.000-195.000 đồng/kg, tổng doanh thu năm 2010 trên 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ tất cả chi phí ông còn lãi trên 630 triệu đồng. Riêng vụ tôm năm 2011, trước tình hình tôm chết diện rộng ở ĐBSCL, ông cũng bị ảnh hưởng. Trong 7 ao tôm của ông, bị bể hết 4 ao, còn lại 3 ao, qua thời gian nuôi 5 – 6 tháng ông thu được trên 3 tấn tôm, với cỡ tôm từ 27-30 con/kg, giá bán trên 230.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông lãi cũng được vài trăm triệu đồng. Ông cho biết thêm: “Năm nay, đứng trước khó khăn do dịch bệnh bất thường, cứ tưởng là bị thua lỗ vụ tôm này, nhưng do tôi nuôi sử dụng vi sinh nên môi trường tốt nên giữ được ao tôm, cộng với giá tôm cao hơn các năm trước nên gia đình tôi cũng được mùa bội thu….”.
Với việc nuôi tôm thành công nhiều năm liền ông được Hội Nông dân TP Bạc Liêu và tỉnh tặng nhiều giấy, bằng khen nhiều năm liền trong phong trào nông dân sản xuất giỏi tại địa phương.
Anh Nguyễn Thành Nam – Điển hình nuôi tôm quảng canh
Nuôi tôm theo mô hình quảng canh – quảng canh cải tiến được cho là mô hình nuôi bền vững của nhiều nông ngư dân vùng ven biển ĐBSCL. Nhưng nuôi bằng cách nào mang lại hiệu quả kinh tế cao thì đây là còn “bài toán khó” cho nhiều nông dân.
Anh Nguyễn Thành Nam ở xã Phong Thạnh Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu là người tiên phong biết vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào mô hình nuôi của mình.
Anh Nguyễn Thành Nam đang bón phân cải tạo vuông nuôi tôm
Vào khoảng năm 2005, từ khi nhà nước có chủ trương cho dẫn nước mặn vào nuôi tôm, anh Nam và nhiều nông dân vùng trồng lúa kém hiệu quả ở đây đã chuyển hẳn sang nuôi tôm thay cây lúa. Mô hình nuôi tôm ở đây chủ yếu là nuôi theo quảng canh cứ độ 2 – 3 tháng là thả giống và đặt lú bắt tôm một lần, mà con giống bắt trôi nổi, năm nay người này giới thiệu con giống tốt thì bắt, năm sau có người khác giới thiệu thì bắt chỗ khác, cứ thế năm nào cũng quanh quẩn làm theo “công thức ấy”, lợi nhuận chẳng bao nhiêu, thậm chí có năm còn lỗ vốn do con giống kém chất lượng gây cho tôm chết và giá tôm quá thấp. Với diện tích 1, 5 ha, trong 5 năm gần đây anh chỉ thu được mỗi năm từ 40 – 70 triệu đồng.
Sau nhiều lần đi tìm hiểu thực tế ở nhiều nơi và qua các khóa tập huấn của cán bộ khuyến ngư, anh rút ra được một số kinh nghiệm của bản thân, muốn nuôi tôm thành công thì phải tác động các yếu tố kỹ thuật vào sản xuất thì mới thành công. Với diện tích trên năm 2011 mới đây, anh nghe nhiều người nuôi bắt tôm giống Dương Hùng thả sẽ chất lượng hơn. Qua tìm hiểu anh thấy con giống quá cao 100 đồng/con trong khi đó tôm giống ở trên thị trường khoảng 50 – 65 đồng/con, anh mua thử 15.000 con về thả qua hơn 2 tháng nuôi tôm đạt trọng lượng 28 – 32 con/kg, đợt đầu anh thu về vài chục triệu đồng. Qua 4 đợt nuôi trong một năm, trên 2 tháng anh thu một lần, tổng thu gần một tấn tôm, sau khi trừ chi phí tất cả anh lãi trên 200 triệu đồng.
Anh cho biết: Cách làm của tôi rất đơn giản, trong thời gian 5 năm qua tôi không có sên bùn, bí mọi, chỉ rải vi sinh sinh xung quanh đáy mương. Quanh năm không xổ nước ra ngoài, chỉ châm nước thêm cho mặt chảng ổn định được 6 – 8 tấc nước. Mỗi năm phơi mặt đầm một lần, phơi cho khô nứt chân chim mới rãi 4 kg/1 công phân DAP, ba ngày sau mới lấy nước vô được 6 – 8 tấc nước trên mặt chảng tiếp tục rải 4 kg Zeo hột trên một công, mới gây màu nước, sau đó đo pH cho đủ 7.5 -> 8.2 và kềm được 120ppm. Nếu thấy thiếu thì rải vôi đá thêm cho đủ rồi thả tôm. Sau định kì nửa tháng rải thêm mỗi công 1 kg phân DAP và 3 kg Zeo hột.
Qua vụ nuôi mới này anh khẳng định với chúng tôi là muốn nuôi tôm quảng canh thành công thì người nuôi phải biết áp dụng các yếu tố khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà đặc biệt hơn là con giống quyết định 50% lợi nhuận cho vụ nuôi của mình, vì vậy phải chọn con giống thật kỹ, sau đó mới giải quyết các khâu còn lại.
Một mùa xuân lại đến hứa hẹn một vụ tôm thắng lợi với gia đình anh Nam. Hy vọng mô hình nuôi tôm của anh ở vùng đất này sẽ là mô hình điển hình cho nhiều bà con học theo.
Phan Thanh Cường