Tòa đại kiến trúc đó một khi được xây dựng sẽ tái sinh ngành công nghiệp du lịch ở thành phố cảng Alexandria, cũng như đẩy mạnh công tác nghiên cứu đối với các phế tích cổ đại lừng danh của đất nước Ai Cập. Mời bạn đọc cùng khám phá thông tin bài viết này của hãng tin Smithsonianmag (Mỹ).
Tham vọng kinh tế
Một dự án bảo tàng mới sẽ được xây dựng tại thành phố cảng Alexandria nhằm kéo khách du lịch tới khám phá các kho báu bị chìm và chưa từng được công chúng khám phá trong suốt hơn 1.400 năm qua. Kể từ năm 1996, kế hoạch triển khai xây dựng một bảo tàng dưới nước tại Hải cảng phía Đông của vịnh Abu Qir thuộc Alexandria đã nhận được nhiều sự quan tâm. Ông Mamdouh al-Damaty, Bộ trưởng cổ vật Ai Cập, loan tin vào tháng 9/2015 rằng nước chủ nhà đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho đề án đầy tham vọng.
Ông Mohamed Abd El-Maguid, người đứng đầu Phòng các hoạt động dưới nước của Bộ cổ vật Ai Cập, nhận định: “Khu vực này từng là một trong những địa điểm quan trọng nhất trên thế giới trong suốt 1.000 năm qua. Cứ mỗi phạm vi 5 m nước, chúng tôi lại có những phế tích của các cung điện và đền đài, nhưng chưa từng ai nhìn thấy nó bằng mắt thường. Việc mọc lên một bảo tàng dưới nước sẽ đón nhiều du khách hơn, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế thịnh vượng trở lại”. Ý tưởng về bảo tàng dưới nước đã được đặt lên từ 20 năm trước, khi giới quan chức Ai Cập bắt đầu tìm hiểu làm thế nào để bảo vệ tốt nhất các hiện vật nhân tạo quý giá tại Alexandria tránh nguy cơ bị suy thoái thêm nữa. Ngay tại thời điểm này, các di tích đang bị đe dọa bởi ô nhiễm tại vịnh Abu Qir, bởi các tay thợ lặn và sự hủy hoại từ các mỏ neo thuyền đánh cá. Ông Mohamed Abd El-Maguid khẳng định: “Bảo tàng dưới nước sẽ giúp giữ an toàn cho các di tích còn tồn tại, nó không chỉ là một cấu trúc vật chất mà còn là khu bảo vệ có thể được giám sát nghiêm ngặt”.
Hé lộ chi tiết
Kiến trúc bảo tàng dưới nước với phần nóc là 4 tòa tháp dinh thự trông như 4 cánh buồm của con thuyền, chèo – một dạng thuyền buồm bằng gỗ truyền thống của vùng sông Nile, bản thiết kế của ông Rougerie sẽ cho phép du khách nhìn thấy các hiện vật nhân tại khi chúng đứng ở dưới biển suốt hàng thế kỷ, bao gồm tàn tích của cung điện Cleopatre VII – có tên trong bi kịch của Shakespeare – cũng như những bức tượng bán thân người con trai của bà là Caesarion, và cha của Cleopatre VII là Hoàng đế Ptolemy XII. Kiến trúc sư Rougerie ước tính, phải mất 2 năm để hoàn công dự án cũng như thêm cả thời gian để nghiên cứu và lập dự án. Trong một đoạn video mô tả về khái niệm của mình, ông Rougerie giải thích: “Một tuyến đường đi bộ dài sẽ mở ra một thế giới đại dương bao la, tràn ngập ánh nắng mặt trời và những vũ khúc nhấp nháy của một bộ sưu tập các pho tượng và phế tích tại vịnh Alexandria và Abu Qir”.
Ông Rougerie trích dẫn Jules Verne là nguồn cảm hứng cho phần lớn công việc của mình, nó gồm những môi trường sống dưới nước, các phòng thí nghiệm đại dương và những trung tâm nghiên cứu. Ông cũng đưa ra một số thiết kế khá kỳ quái, bao gồm quần thể thành phố nổi Mérien có hình dáng như con cá đuối; và SeaOrbier là một kiến trúc có ½ chìm dưới nước và ½ là tháp chọc trời, nó cho phép các nhà khoa học đi lại và nghiên cứu các đại dương suốt 24 giờ/tuần. Những mẫu thiết kế của ông Rougerie khiến người ta gợi lên những vật thể ngoài không gian và khơi gợi tính tò mò khắp toàn cầu, bằng cách xây dựng các cấu trúc lột tả đời sống đại dương, ông Rougerie muốn thu hút sự chú ý đến “vẻ đẹp và sự mỏng manh” của biển cả và vai trò nền tảng trong câu chuyện về nhân loại.
Vai trò quan trọng
Kiến trúc sư Rougerie phát biểu: “Chúng tôi hình dung ra một ngôi trường khảo cổ dưới nước với sự cộng hưởng quốc tế để trở thành một phần cơ sở vật chất của bảo tàng. Công chúng có thể hỗ trợ công việc của các nhà khảo cổ học đối với các kho báo khảo cổ như cung điện của Cleopatre VII hoặc cung điện hoàng gia đã bị ẩn giấu trong suốt hàng ngàn năm qua”. Hiện tại giới học giả vẫn đang tranh cãi rằng khi nào và làm thế nào mà những đại cung điện, những giảng đường học thuật, nhà cửa và đền đài ở Alexandria lại có thể bị chìm. Qua việc nghiên cứu lớp trầm tích ở đáy vịnh và việc khai quật những hài cốt nằm bên dưới hải cảng Alexandria ngày nay, có vẻ như đô thị này đã bị hủy hoại từ từ bởi các trận động đất, sóng thần và tình trạng gặm nhấm xói mòn do biển cả. Có vẻ như vùng phía Đông Địa Trung Hải đã dần dần bị ngập nước trong khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và thứ 7 sau CN. Những kho báu đó đã được bảo tồn nguyên vẹn trong suốt hơn 14 thế kỷ, ngay cả khi vùng nước tại đó bị ô nhiễm và bất chấp một dự án xây dựng con đê chắn sóng vào năm 1993 được cho là làm hủy hoại nhiều hiện vật nhân tạo.
Mặc dù có thể chỉ đơn giản là khai quật một số hiện vật và thiết đặt chúng trong một bảo tàng trên mặt đất, nhưng ông El-Maguid nói rằng những hiện vật dưới nước đã mang đến cho Ai Cập một cơ hội để tạo ra một dạng bảo tàng mới toanh để điền vào danh sách 37 bảo tàng trên mặt đất hiện đang có tại Ai Cập. Ông El-Maguid giải thích: “Chúng tôi cũng có hơn 2 triệu hiện vật ở Ai Cập, tất cả đều nằm trên mặt đất. Nếu chúng tôi lấy những thứ đó ra khỏi mặt nước, thì đâu còn gì sự khác biệt? Mà phải là dưới nước thì mới có sự độc đáo của nó”. Không có bảo tàng dưới nước nào lớn như ở Alexandria ngoại trừ một phiên bản nhỏ hơn đang tồn tại là Bảo tàng thủy cung Baiheliang ở Trung Quốc, bảo tàng này nằm gần đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử. Những con đường hầm dựng bằng bê tông kiên cố có gắn các ô cửa sổ kính, du khách có thể xem một con cá bằng đá dài 2,1 m tại bảo tàng Baiheliang.