Bình Định: Hiệu quả nuôi tôm công nghệ cao ở Phù Mỹ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thời gian qua, hợp tác xã (HTX) Thủy sản Mỹ Thành (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định) nuôi tôm theo hướng công nghệ cao không những hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho tôm nuôi mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường.

Cấp thiết 

Toàn xã Mỹ Thành hiện có gần 130 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, các điều kiện tự nhiên như pH, nhiệt độ và độ mặn của nước biển tại xã Mỹ Thành thích hợp cho sự phát triển của các loại tôm, từ TTCT đến tôm sú. Nghề nuôi tôm gắn bó từ lâu với người dân địa phương, song vẫn nuôi theo kiểu tự phát, chưa ai để ý áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. 

Áp dụng công nghệ trong sản xuất giúp nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi. Ảnh: ST

Từ năm 2004 trở về trước, ở đây chủ yếu nuôi tôm sú bằng ao đất, mỗi năm thả nuôi 2-3 vụ, nhưng về kỹ thuật còn chưa nắm rõ, ao tôm chưa đầu tư bài bản, hiệu quả mang lại không cao. Từ năm 2005 đến nay, người dân chuyển qua nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng bằng ao trải bạt, sử dụng thức ăn công nghiệp, chế phẩm vi sinh. Xét về hiệu quả kinh tế thì có khá hơn trước, nhưng mạnh ai nấy làm, tiêu thụ bấp bênh, dịch bệnh phát sinh rất khó xử lý. 

Trước thực trạng trên, 7 hộ nuôi tôm trong xã Mỹ Thành thống nhất thành lập HTX Thủy sản Mỹ Thành vào tháng 7/2020, hoạt động trên lĩnh vực nuôi tôm, với mong muốn mở hướng đi mới cho nghề nuôi tôm ở địa phương. 

Chủ động áp dụng công nghệ 

Đến nay, các hộ nuôi tôm ở Phù Mỹ cũng như các thành viên HTX Thủy sản Mỹ Thành đã chủ động nuôi tôm đúng kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành chức năng: thả tôm đúng lịch thời vụ, cải tạo ao, nuôi tuần hoàn khép kín… Ngoài ra, HTX Thủy sản Mỹ Thành còn áp dụng các công nghệ mới, điển hình như hệ thống tuần hoàn nước. Theo đó, thay vì dùng nước mới liên tục, hệ thống này tái sử dụng và xử lý nước, giúp tiết kiệm nước và nguồn lực mà vẫn đảm bảo môi trường sống cho tôm. HTX Thủy sản Mỹ Thành cũng tích hợp các thiết bị và công nghệ xử lý nước tiên tiến, từ hệ thống lọc đa cấp đến việc sử dụng vi sinh vật có lợi, giúp kiểm soát được mức độ ô nhiễm và tạo ra môi trường sống thuận lợi cho tôm phát triển. 

Để tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng của tôm, một số hộ nuôi tôm đã áp dụng thêm các công nghệ sinh học vào quá trình nuôi. Việc sử dụng vi sinh vật có lợi và vi khuẩn probiotic không chỉ giúp cải thiện hệ miễn dịch mà còn giảm thiểu sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi. Cùng đó, những tiến bộ trong công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo đã mở ra khả năng giám sát và quản lý mô hình nuôi tôm từ xa. Hệ thống giám sát tự động cung cấp thông tin về nhiệt độ, độ mặn và chất lượng nước trực tuyến, giúp người nuôi phát hiện và xử lý vấn đề kịp thời. 

Không chỉ dừng lại ở cải thiện kỹ thuật sản xuất hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, HTX Thủy sản Mỹ Thành cũng đang chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng ổn định và đảm bảo giá trị cho sản phẩm trên thị trường quốc tế. 

>> Nhờ áp dụng công nghệ cao, nuôi tôm đúng kỹ thuật và khuyến cáo trong sản xuất, năm 2023, HTX Thủy sản Mỹ Thành thu về hơn 7 tỷ lợi nhuận. Trong năm 2024, HTX quyết tâm đầu tư thêm nhiều công nghệ hiện đại để đảm bảo chất lượng trong quá trình nuôi tôm cũng như mở rộng mô hình, tạo công ăn việc làm ổn định cho hội viên, hướng đến sản phẩm tôm chất lượng xuất khẩu đến nhiều thị trường. 

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!