Bình Định: Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực đồng quản lý

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng 14/12/2023, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) phối hợp với Hiệp hội Thủy sản Bình Định, Đoàn Thanh niên Sở NN&PTNT, Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn và UBND xã Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) tổ chức thả 10.000 con cá chẽm giống xuống khu vực biển Bãi Dứa ở xã Nhơn Lý nhằm tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học.

Nhơn Lý là xã nằm trong vịnh biển Quy Nhơn, có bờ biển dài hơn 29 km, đặc biệt có dãy núi đơn 2 km cùng dải đất nhô ra biển đông khoảng 1 km tạo thành 2 bãi biển bắc, nam còn gọi là Bãi Bấc và Bãi Nồm; tạo ra gành đá, hang động yến làm tổ và eo vịnh với nhiều rạn san hô, thảm rong tảo – cỏ biển tạo nên hệ sinh thái đa dạng, là nơi trú ngụ của các loại sinh vật đặc trưng và có giá trị cao của vùng rạn như: nhím biển, tôm hùm, cá mú, cá hồng, các loài ốc biển…

10.000 con cá chẽm giống được thả xuống khu vực biển Bãi Dứa

Khu vực biển Bãi Dứa xã Nhơn Lý có điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển các hệ sinh thái, có tiềm năng đa dạng sinh học cao với sự hiện diện của các hệ sinh thái điển hình quan trọng (thảm cỏ biển, rạn san hô, vùng triều và đáy mềm lân cận). Rạn san hô khu vực biển Bãi Dứa nằm trong dải rạn san hô ven bờ kéo dài từ Eo Gió đến mũi Còng Cọc và Bãi Dứa với diện tích 12,65 ha, trong đó khu vực rạn san hô Bãi Dứa ước tính khoảng 4,5 ha. Mặc dù diện tích rạn san hô không lớn nhưng mật độ phân bố rạn tại Bãi Dứa khá dày, đa dạng về loài, có hình dạng và màu sắc phong phú tạo nên khu cảnh quan sinh vật biển tươi đẹp. 

Đoàn đi thả cá chụp ảnh lưu niệm

Hiện khu vực biển bãi Dứa với diện tích 8,02 ha đã được UBND TP Quy Nhơn giao cho Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Lý quản lý bảo vệ theo Luật Thủy sản 2017. Kể từ khi được công nhận và giao quyền tổ chức cộng đồng đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, dọn vệ sinh bãi biển và bắt sao biển gai, thả phao tiêu biển báo tại khu vực khoanh vùng, quan trắc đánh giá hệ sinh thái rạn san hô và nguồn lợi thủy sản theo định kỳ hằng năm. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm như bẻ phá san hô, khai thác trái phép… Theo kết quả quan trắc đánh giá rạn san hô do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định và Tổ chức cộng đồng  xã Nhơn Lý thực hiện vào tháng 5/2023, độ phủ san hô cứng tại Bãi Dứa đạt 75,6 %. Đây là điều kiện tốt để nguồn lợi thủy sản sinh sôi và phát triển.

Tại buổi lễ, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định kêu gọi mọi người dân tiếp tục tích cực hưởng ứng phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mỗi người hãy tự nâng cao nhận thức của mình, tuyên truyền cho các thành viên trong gia đình và những người xung quanh cùng chung tay bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản vùng đầm, vùng biển trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sinh kế bền vững cho chính mình và thế hệ mai sau.

Đây là hoạt động được Chi cục Thủy sản Bình Định tổ chức thực hiện hằng năm, nhằm bảo tồn, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo sự phong phú của các quần thể, đa dạng sinh học với nhiều giống loài quý hiếm, có giá trị kinh tế. Đồng thời, qua đây nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng và giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao ý thức của cộng đồng ngư dân trong việc khai thác phải đi đôi với quản lý và bảo vệ.

Ái Trinh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!