Những bào thai cá mập hổ cát thôn tính lẫn nhau để giành quyền sống trong bụng mẹ.
Với chiều dài thân trung bình 2,5 m, cá mập hổ cát (Carcharias taurus) phân bố khắp thế giới. Chúng sống trong những vùng nước gần bờ biển. Tại Mỹ, người ta thường thấy chúng gần các bãi cát nên gọi chúng là “cá mập hổ cát”.
Cá mập hổ cát phải tiêu diệt lẫn nhau để giành quyền sống ngay từ khi chúng còn ở dạng phôi thai trong bụng mẹ. Ảnh: National Geographic.
Trong thời kỳ sinh sản, những con cái trong loài cá mập hổ cát luôn giao phối với nhiều con đực. Quá trình mang thai của cá mập hổ cát kéo dài gần một năm. Chúng thường đẻ hai con sau mỗi lần mang thai.
Livescience đưa tin các nhà sinh học hải dương của Đại học Stony Brook tại Mỹ phân tích phôi thai trong tử cung của những con cá mập hổ cát (Carcharias taurus) trong nhiều giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển. Họ nhận thấy ban đầu số lượng phôi thai trong bụng cá mập lên tới 12. Chúng là sản phẩm của nhiều ông bố. Song số lượng phôi giảm dần theo thời gian do phôi lớn nhất nuốt chửng những phôi còn lại. Ở thời điểm cuối cùng của thai kỳ, chỉ còn hai phôi thai tồn tại trong dạ con, bao gồm phôi lớn nhất và một phôi khác. Điều đáng chú ý là hai phôi đó thường có DNA giống nhau, nghĩa là chúng có nguồn gốc từ một bố.
“Ở một số loài, cuộc đấu tranh để giành quyền làm cha không chỉ diễn ra khi những con đực cạnh tranh với nhau để giao phối với con cái, mà còn tiếp diễn tới tận quá trình phát triển của bào thai”, Demian Chapman, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, quá trình tiêu diệt lẫn nhau giữa các phôi thai làm giảm số lượng con. Nhờ thế mà cá mập hổ cát sinh ra những đứa con khỏe mạnh hơn so với những loài cá mập khác. Ngoài ra, việc hai bào thai có nguồn gốc từ một bố cho thấy các phôi lớn có thể nhận ra những “anh” hoặc “em” cùng bố nên chúng không tiêu diệt. Như vậy, cá mập cái giao phối với nhiều cá đực, song chỉ một “anh chàng” có cơ hội truyền gene cho thế hệ sau.