Theo nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Mỹ, cá mập trắng khổng lồ thực hiện chính sách “ăn mặn, ngủ chay” trong suốt thai kỳ. Đáng nói hơn, thời gian mang thai của loài này kéo dài tới 2 năm.
Chủ tịch Viện Khoa học Bảo tồn biển của Mỹ, Michael Domeier và đồng nghiệp tiến hành nghiên cứu loài cá mập trắng khổng lồ và phát hiện ra con cái mang thai sẽ tránh con đực trong thai kỳ kéo dài 2 năm. Kết quả nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Animal Biotelemetry.
Cá mập trắng khổng lồ. Ảnh: Nbcnews
Để có được thành quả đó, các nhà khoa học đã theo dõi kỹ càng hoạt động của cá mập trắng khổng lồ trong lòng đại dương. Họ sử dụng thẻ vệ tinh đặc biệt để quan sát các cá thể từ một quần thể cá mập trắng khổng lồ ở ngoài khơi bờ biển Mexico trong suốt 3 năm. Các thiết bị được gắn vào vây lưng con vật.
Các nhà khoa học đã quan sát bốn con cá mập trắng cái từ vị trí giao phối ngoài khơi đảo Guadalupe của Mexico cho đến khi chúng trở lại nơi này 24 tháng sau đó. “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy con cái tránh mặt con đực bất cứ khi nào có thể trong suốt thai kỳ kéo dài 2 năm. Khi cá mập con được sinh ra, con cái mới trở về đảo Guadalupe để giao phối một lần nữa”, ông Michael Domeier cho biết.
Khi mang thai, con cái di chuyển đến vùng biển ngoài khơi Hawaii (Mỹ) xa xôi. 18 tháng đầu tiên, những con cái bơi thong thả qua các đại dương. Sau đó, chúng đến ngoài khơi bang Baja California, Mexico để sinh con. Tại đây, cả cá mẹ và con đều có nguy cơ va chạm với các tàu thuyền đang di chuyển dọc bờ biển.
Ông Domeier cho biết: “Trong thời gian con cái sinh nở gần bán đảo Baja, chúng gặp nhiều nguy cơ bị đánh bắt. Tất nhiên, những con cá con sẽ gặp nhiều nguy cơ hơn bởi với kích thước nhỏ bé, chúng rất dễ bắt”.
Các nhà khoa học cũng nhận thấy trên thân cá mập có nhiều vết cắn. Con đực cắn vào đầu, hông hoặc vây ngực của con cái trong khi giao phối. Bản thân những con đực này cũng dính nhiều vết thương. Đó là do chúng phải chiến đấu để tiếp cận con cái hoặc tranh giành khu săn mồi ưa thích.