Cà Mau: Phòng bệnh cho cá bống tượng, cá chình trước vụ nuôi

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện phong trào nuôi cá bống tượng, cá chình trong tỉnh đang phát triển mạnh do hiệu quả kinh tế mà hai loài đặc sản này mang lại khá cao. Song, việc phòng bệnh trên cá nuôi trước vụ nuôi là việc làm cần thiết nhất để nâng cao sản lượng cá nuôi.

Người nuôi cá bống tượng, cá chình cần nhận biết bệnh ký sinh trùng là do ký sinh trùng ký sinh bên ngoài hoặc bên trong cơ thể cá gây ra. Do một số loài ký sinh trùng thường gặp như: trùng mỏ neo, rận cá, trùng bánh xe, bào tử trùng, sán lá đơn chủ… gây ra. Các loại ký sinh trùng này thường xuất hiện trong ao nuôi trước khi ao nuôi bị nhiễm bẩn, do nuôi cá với mật độ cao, thức ăn dư thừa, thời điểm giao mùa…

Nông dân xã Tạ An Khương Đông thu hoạch cá bống tượng.

Vì vậy, người nuôi cần quan tâm quản lý môi trường ao nuôi và chú ý các dấu hiệu như: khi bị nhiễm bệnh cá gầy yếu, giảm ăn, nếu bị bệnh nặng cá ngừng ăn. Trên da, vây, mắt, mang cá, những chỗ bị ký sinh trùng ký sinh gây viêm, loét, xuất huyết, là nơi vi khuẩn xâm nhập. Khi cơ thể cá nhợt nhạt, thân, mang cá có nhiều nhớt màu trắng đục, đuôi, vây bị ăn mòn, cá bơi lội không định hướng, thân cọ vào cây cỏ như bị ngứa là do trùng bánh xe, bào tử trùng, sán lá đơn chủ gây ra.

Khi người nuôi gặp phải các loại bệnh trên thì việc phòng và trị bệnh là rất quan trọng. Nên định kỳ 15-20 ngày xử lý một lần bằng một trong các cách sau: sử dụng lá xoan (lá sầu đông), dây giác: 3-5 kg/100 m3 nước ngọt, lợ; muối ăn (NaCl): 10-15 kg/100 m3 nước ngọt; vôi (CaCO3): 5-10 kg/100 m3 nước ngọt, lợ, xử lý khi trời mưa.

Hằng ngày, quan sát thấy cá bị bệnh trùng mỏ neo, rận cá thì người nuôi nên sử dụng lá xoan, dây giác: 0,3-0,5 kg/m3 nước; dùng Hadaclean A trộn vào thức ăn với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Khi cá bị bệnh bào tử trùng, trùng bánh xe, nấm thủy my, sán lá đơn chủ thì người nuôi nên sử dụng các biện pháp sau: Dùng thuốc tím (KMnO4) 10-20 ppm (10-20 ml/m3 nước) tắm cho cá 15-30 phút; hay sử dụng 0,5-1 ppm (0.5-1 ml/m3 nước) cho trực tiếp xuống ao vào buổi chiều mát. Đối với formol nên dùng 100-200 ppm (100-200/ml/m3 nước) tắm cho cá 30-60 phút có sục khí, hay dùng 10-20 ppm (10-20/ml/m3 nước) cho trực tiếp xuống ao vào lúc có nắng.

Để nghề nuôi cá bống tượng, cá chình phát triển ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì khâu phòng bệnh tổng hợp cho cá là rất quan trọng, mà người nuôi cần thực hiện chặt chẽ từ khâu lựa chọn con giống thả nuôi đến khi thu hoạch. Kỹ sư Phùng Văn Toàn, Phòng Khuyến nông – Khuyến ngư khuyến cáo, ao nuôi cá phải được xây dựng gần nguồn nước có chất lượng tốt, để có thể thay nước khi cần thiết, phải giữ được mực nước từ 1,2-1,5 m vào mùa khô.

Trước mỗi vụ nuôi phải dọn ao sạch sẽ, sên vét, phơi nắng, bón vôi, lọc nước kỹ trước khi thả giống. Chọn giống khỏe mạnh, nên mua cá giống ở các cơ sở có uy tín, phải diệt ký sinh trùng trước khi thả giống.

Ngoài ra, người nuôi cần quan tâm đến đối tượng nuôi, mật độ nuôi, tỷ lệ thả ghép với các đối tượng khác phải phù hợp. Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá, các yếu tố môi trường nước (pH, H2S, NH3…), phải kiểm tra kỹ khi ao nuôi bị dơ để có biện pháp xử lý kịp thời, nhằm hạn chế thiệt hại xảy ra trên đàn cá nuôi./.

Thế Lữ

Theo Báo Cà Mau

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!