T4, 11/06/2025 02:11

Cargill chính thức rút khỏi mảng thức ăn thủy sản tại Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tập đoàn Cargill (Mỹ) vừa thông báo chấm dứt hoạt động trong lĩnh vực thức ăn thủy sản tại thị trường Việt Nam kể từ tháng 5/2025. Quyết định này bao gồm việc đóng cửa hai nhà máy sản xuất tại Đồng Tháp và Long An cùng Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Thủy sản đặt tại Tiền Giang

Bắt đầu gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 1995 với nhà máy thức ăn chăn nuôi đầu tiên đặt tại Đồng Nai, Cargill nhanh chóng mở rộng hoạt động trên cả nước, đặc biệt trong giai đoạn 1996–2010. Tính đến năm 2023, Cargill đã đầu tư hơn 160 triệu USD vào Việt Nam, sở hữu 11 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, một kho ngũ cốc tại Cái Lân (Quảng Ninh), hai trung tâm ứng dụng công nghệ thủy sản và một nhà máy premix công nghệ cao tại Đồng Nai – được đánh giá là hiện đại bậc nhất châu Á với công suất 40.000 tấn/năm.

Song song với hoạt động thương mại, tập đoàn cũng được biết đến là một trong những doanh nghiệp FDI có đóng góp tích cực cho cộng đồng: tài trợ xây dựng hơn 100 ngôi trường, đào tạo trên 1,7 triệu nông dân và triển khai nhiều chương trình cứu trợ thiên tai, dịch bệnh.

Chia sẻ về quyết định rút lui, ông Maxime Hilbert – Quyền Tổng Giám đốc ngành Dinh dưỡng Thủy sản của Cargill tại Thái Lan và Việt Nam – cho biết, động thái này được đưa ra sau quá trình đánh giá chiến lược toàn cầu, với mục tiêu tái cấu trúc và tập trung vào những thị trường, nhóm vật nuôi mang tính dài hạn và bền vững hơn.

Trên thực tế, trong khoảng hai năm trở lại đây, mảng thức ăn thủy sản của Cargill tại Việt Nam bắt đầu ghi nhận hiệu quả sụt giảm. Mặc dù doanh thu toàn công ty tăng trưởng từ 17.000 tỷ đồng năm 2020 lên gần 28.500 tỷ đồng năm 2022, lợi nhuận sau thuế dao động ổn định từ 890–1.100 tỷ đồng, nhưng riêng mảng thủy sản lại trở thành điểm nghẽn, không còn tạo ra lợi nhuận như kỳ vọng.

Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2025, sản lượng thức ăn thủy sản công nghiệp của Việt Nam đạt 3,64 triệu tấn – tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này được đánh giá là tích cực trong bối cảnh thị trường vẫn chịu ảnh hưởng của giá nguyên liệu đầu vào cao và tiêu thụ thủy sản toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn.

Tuy nhiên, bên trong con số tăng trưởng ấy là một cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các tên tuổi lớn, bao gồm cả doanh nghiệp nội địa và FDI: C.P. Việt Nam, Grobest, CJ Vina, Uni-President, BioMar, YueHai, Tongwei, Japfa… Một số doanh nghiệp như YueHai và Thăng Long tăng tốc đầu tư, mở rộng nhà máy; trong khi đó Tongwei đã âm thầm thu hẹp công suất ở một số địa phương.

Áp lực cạnh tranh kéo dài không chỉ khiến thị phần bị chia nhỏ mà còn bào mòn biên lợi nhuận toàn ngành. Với quy mô toàn cầu và yêu cầu về hiệu suất vốn cao, việc Cargill quyết định rút lui cho thấy sự điều chỉnh chiến lược mạnh mẽ của các tập đoàn lớn, nhằm ưu tiên hiệu quả thay vì duy trì hiện diện bằng mọi giá.

Dù rời bỏ mảng thức ăn thủy sản, Cargill khẳng định vẫn tiếp tục cam kết đầu tư và phát triển các mảng kinh doanh cốt lõi tại Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực Dinh dưỡng và Sức khỏe vật nuôi. Tập đoàn sẽ giữ nguyên hoạt động tại 11 nhà máy thức ăn chăn nuôi, tiếp tục vận hành nhà máy premix công nghệ cao tại Đồng Nai – hiện là đầu mối cung ứng cho cả khu vực ASEAN.

Việc rút lui khỏi lĩnh vực thủy sản không ảnh hưởng đến các mảng hoạt động khác cũng như kế hoạch phát triển dài hạn tại Việt Nam. Cargill cũng cam kết đảm bảo quyền lợi hợp pháp và đầy đủ cho toàn bộ người lao động tại các cơ sở bị đóng cửa, tuân thủ đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các chính sách nội bộ của công ty.

Thiên Đức

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!