Chế biến thủy sản: Giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường

Chưa có đánh giá về bài viết

Chế biến, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất thủy sản, góp công lớn đưa ngoại tệ về cho đất nước. Tuy nhiên, vấn đề cấp bách là áp dụng tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh môi trường, nếu không ngành thủy sản sẽ phải trả giá đắt hơn những gì thu được.

Bất cập

Ô nhiễm môi trường chủ yếu do công nghệ lạc hậu. Điển hình là các thiết bị xử lý khí thải đang sử dụng trong lĩnh vực chế biến thủy sản (chỉ 70,52% có bộ phận xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường; số còn lại hầu như không được thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng). Tình trạng khác là có thiết bị xử lý ô nhiễm nhưng hoạt động không hiệu quả và thậm chí không được đưa vào hoạt động. Chi phí vận hành cho xử lý nước thải 2.000 – 3.500 đồng/m3. Chi phí xử lý ô nhiễm khoảng 500.000 đồng/tấn sản phẩm. Một số doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm bằng cách… hạn chế sử dụng công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường.

Như tại Bến Tre, theo khảo sát từ Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh, lượng ôxy hòa tan tại sông rạch gần các cơ sở chế biến cá khô không đạt chuẩn, hàm lượng Amoniac, Cadium, lưu huỳnh, Nitơ… cao gấp nhiều lần quy định.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2013, tỉnh Kiên Giang có khoảng 194 đơn vị hoạt động chế biến thủy sản. Hầu hết các cơ sở sản xuất tuy có hệ thống xử lý nước thải nhưng chỉ có hơn 60% hoạt động thường xuyên, số còn lại ít vận hành hoặc chưa xây dựng. Nước thải sau sản xuất đều được thải trực tiếp vào hệ thống sông, rạch, gây ô nhiễm nguồn nước mặt. Những địa phương bị ô nhiễm nặng là TP Rạch Giá, huyện Châu Thành, Kiên Lương và Phú Quốc. Qua kết quả đánh giá chất lượng nước thải tại các cơ sở chế biến cho thấy, nguồn nước bị ô nhiễm cục bộ. Đặc biệt, nguồn nước thải tại các cơ sở chế biến thủy hải sản đã bị ô nhiễm hữu cơ, ô nhiễm dinh dưỡng và chất rắn lơ lửng khá nặng. Các chỉ tiêu tổng Coliform vượt tiêu chuẩn cho phép rất cao.

 

Cần mạnh tay xử lý

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu Hải sản, trong chế biến thủy sản đông lạnh, cứ sản xuất được 1 tấn thành phẩm tôm sẽ thải ra môi trường 0,75 tấn phế thải, cá tra fillet là 1,8 tấn, nhuyễn thể chân đầu dưới 0,45 tấn, nhuyễn thể hai mảnh vỏ dưới 8 tấn. Tỷ lệ phế liệu và chất thải rắn phụ thuộc vào mặt hàng sản xuất và vào loài cũng như chất lượng nguyên liệu…

Cũng theo Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm về môi trường (C49), hoạt động chế biến thủy sản là “một trong những ngành gây ô nhiễm nghiêm trọng”. Từ năm 2012 đến nay, C49 đã phát hiện, xử lý trên 500 vụ vi phạm ô nhiễm môi trường trong ngành thủy sản, phạt hành chính hơn 18 tỷ đồng tại Kiên Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ninh…

Một tấn thành phẩm cá tra fillet thải ra môi trường 1,8 tấn phế thải – Ảnh: Ngọc Trinh

Trước đây, các ngành chức năng cũng từng phạt Công ty TNHH MTV Đồ hộp Hạ Long Đà Nẵng và Công ty CP Procimex Việt Nam, trụ sở tại KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng (quận Sơn Trà), mỗi công ty 40 triệu đồng. Hai công ty này chuyên chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản; sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản. Việc xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm không chỉ làm trong sạch môi trường nuôi trồng mà còn lấy lại niềm tin cho đông đảo người nuôi thủy sản, trước tình trạng một số doanh nghiệp phớt lờ quyền lợi cộng đồng.

 

Đừng để “tích tiểu thành đại”

Ô nhiễm môi trường đang diễn ra liên tục, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ. Ngay cả việc kiểm soát chỉ số của từng nhà máy cũng chưa đủ đánh giá mà cần thường xuyên kiểm soát chỉ số môi trường toàn khu vực, lưu vực, sông, vịnh. “Tích tiểu thành đại”, nhiều doanh nghiệp cùng xả thải.

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt Dự án xử lý nước thải cho làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng với 2.100 m đường cống thu gom nước thải; công suất 300 m3/ngày. Dự án sẽ mở đầu chuỗi hệ thống xử lý nước thải cho các làng nghề chế biến thủy sản Bến Tre những năm tiếp theo. Ngoài ra, để cải thiện môi trường kinh tế biển, đầu năm 2014, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt công trình nâng cấp, mở rộng cảng cá Bình Đại với nguồn vốn lên đến 114 tỷ đồng. Những dự án được đầu tư đồng bộ không chỉ cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân, mà còn kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế biển ở địa phương phát triển.

Đại diện Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối đã đưa ra một số đề xuất cho vấn đề này như: cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật đặc thù về môi trường chế biến thủy sản; Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan (Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên – Môi trường…); Về cơ chế, chính sách, cần có cơ chế khuyến khích đầu tư cho công tác bảo vệ  môi trường, nhất là công nghệ xử lý chất thải theo hướng hiện đại tại các cơ sở chế biến thủy sản; Các cơ sở đông lạnh, hàng khô, tổng hợp, bột cá cần tiến hành xây mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, mở rộng trên nguyên tắc áp dụng công nghệ xử lý nước thải kết hợp (cơ học – hóa lý – vi sinh); trong đó bắt buộc có 5 công đoạn quan trọng nhất là bể tuyển nổi (tách dầu, mỡ), bể điều hòa, bể sinh học kỵ khí, bể sinh học bùn hoạt tính và bể khử trùng. Áp dụng sản xuất sạch hơn mang lại là giảm lượng tiêu thụ điện năng và nước (cả nước đá) trên một đơn vị sản phẩm, giảm chi phí sản xuất sẽ tăng lợi thế cạnh tranh. Cùng đó, tối ưu hóa các quá trình sản xuất sẽ tiết kiệm được nguyên liệu và tiêu thụ nước; đây là yếu tố cơ bản làm giảm lượng lớn nước thải và tải lượng các chất ô nhiễm trong nước thải, giảm các chi phí đầu tư và vận hành hệ thống xử lý nước thải.

>> Theo Cục Chế biến Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối, cả nước hiện có gần 600 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp và hàng nghìn cơ sở quy mô vừa và nhỏ; hầu hết đều chưa có hệ thống xử lý nước thải mà trực tiếp xả xuống kênh mương, sông ngòi hoặc vùng biển liền kề.

Trần Nguyễn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!