T2, 09/11/2020 10:03

Cơ hội chuyển đổi sinh kế cho ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trong bối cảnh nguồn tài nguyên biển đang dần suy kiệt, nghề cá giải trí được xem là một lựa chọn mang tầm chiến lược, góp phần phát triển bền vững kinh tế đảo nhỏ, tạo cơ hội chuyển đổi sinh kế cho ngư dân các huyện đảo và vùng ven biển.

Tiềm năng chưa đánh thức

Với hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, bao gồm 2.773 đảo ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có triển vọng phát triển mạnh kinh tế đảo. Tuy nhiên, chỉ khoảng 70 đảo lớn có người sinh sống và thuộc phạm vi hành chính của 12 huyện đảo, bao gồm hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như vậy, vẫn còn khoảng 2.800 đảo nhỏ hoang sơ – là các hệ sinh thái đảo nhỏ có năng suất sinh học cao, chưa đủ điều kiện con người ra sinh sống mà chỉ thích hợp với đời sống của các loài sinh vật hoang dã khác – vẫn chưa được khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả.

Số lượng các đảo nhỏ nói trên chưa được đề cập xứng tầm trong các chiến lược và kế hoạch khai thác, sử dụng biển. Cho nên, chú trọng phát triển kinh tế đảo nhỏ, hoang sơ ở nước ta trong bối cảnh Biển Đông hiện nay, không chỉ để giải bài toán kinh tế thuần túy, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia. Vì, phát triển kinh tế đảo hiệu quả sẽ giữ được dân, chủ yếu là ngư dân bám đảo, bám biển mưu sinh, thực hiện “chủ quyền dân sự”, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Vấn đề như vậy còn khá mờ nhạt cả về nhận thức lẫn hành động, dù chúng ta đã làm được không ít việc cụ thể để giải quyết các tình thế, đáp ứng các mục tiêu ngắn hạn.

Có thể nói, các đảo nhỏ là những “hòn ngọc xanh” trên nền biển bạc trong mắt các nhà đầu tư tầm cỡ. Trên thế giới, các hòn đảo đẹp, đắt giá được chọn và công nhận hằng năm đều là những hòn đảo thường hoang sơ, hoang dã, có tiềm năng bảo tồn và giá trị dịch vụ cao. Nói cách khác, kinh tế đảo nhỏ ở nước ta có tiềm năng lớn với cơ cấu: du lịch sinh thái gắn với nghề cá giải trí và bảo tồn thiên nhiên biển đảo. Các hoạt động khác được xem là những dịch vụ hỗ trợ cần phát triển nhưng không phải là “mũi nhọn” trong dài hạn. Tùy thuộc lợi thế vùng miền, mỗi cụm đảo và từng đảo riêng biệt, khi quy hoạch chúng ta phải chú ý khai thác tính đặc thù, lợi thế so sánh của nó để không mắc “hội chứng chạy theo phong trào” trong phát triển.

Tăng khả năng “tích tụ dân số”

Việt Nam có khoảng trên 6 triệu người đang làm việc trong các ngành kinh tế biển, trong đó thủy sản khoảng hơn 4 triệu lao động, hàng hải 1 triệu và dầu khí 1,5 vạn. Một lực lượng ngư dân đông đảo với khoảng 10.000 tàu, thuyền hàng ngày hoạt động rộng khắp trên vùng biển Tổ quốc, khoảng 20 triệu người dân ven biển và trên các đảo có sinh kế trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào nguồn lợi biển đem lại. Trong khi trình độ dân trí ở nhiều nơi còn thấp, cuộc sống của số đông cư dân, nhất là vùng bãi ngang ven biển còn rất khó khăn và chịu nhiều rủi ro, nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt.

Tại Quyết định số 186/QĐ-TTg ngày 24/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt xây dựng 5 “Đảo Thanh niên” để gắn phát triển kinh tế với bảo vệ vững chắc biển đảo, chủ yếu là các đảo “tiền tiêu”. Đó là đảo Trần thuộc huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh; đảo Hòn Chuối thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; đảo Thổ Châu thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; đảo Bạch Long Vĩ, TP Hải Phòng và đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Thực hiện Quyết định này và chủ trương phát triển mạnh du lịch biển đến năm 2030 sẽ góp phần tăng khả năng “tích tụ dân số” trên các đảo lớn, tăng khả năng hiện diện dân sự, nhưng phải phù hợp với năng lực tải môi trường trên các đảo.

Hiệu quả “kép”

Nghề cá giải trí (Recreation fisheries) bao gồm các hoạt động giải trí dựa trên việc khai thác giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái nói chung và nghề cá nói riêng. Đó là các hoạt động: câu cá giải trí, đánh cá giải trí, nuôi cá giải trí, ngắm cá giải trí, du lịch lặn xem các cảnh quan dưới đáy biển và nuôi thương mại cá cảnh rạn san hô.

Thực tế ở các nước cho thấy, hiệu quả kinh tế tính bằng tiền đối với nghề cá giải trí khá cao, trong khi cá vẫn còn nguyên và vùng biển bền vững, đặc biệt góp phần vào chuyển đổi nghề nghiệp và cải thiện sinh kế cho ngư dân. Để phát triển nghề cá giải trí, cần phải xác định được các địa điểm tiềm năng, có giá trị bảo tồn cao, có các sinh cảnh và hệ sinh thái độc đáo và nguyên vẹn, có tính đa dạng về cảnh quan dưới nước và các quần xã sinh vật, giàu cá rạn san hô, môi trường trong sạch, thuận lợi và an toàn cho du khách.

Ở nước ta, nghề cá giải trí được xem là hình thức khai thác biển còn mới mẻ, chưa được nhiều người quan tâm và đến nay chưa trở thành một thị trường riêng, quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nghề cá giải trí được đã được triển khai, nhấn mạnh đến du lịch lặn ngắm cá (Diving tourism). Ví dụ, vào năm 1994, điểm du lịch lặn biển đầu tiên ở vùng lõi Hòn Mun thuộc Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đã được thiết lập và đi vào hoạt động. Kéo theo hoạt động này là dịch vụ cung cấp thiết bị, đào tạo lặn… của Công ty Cầu Vồng tại TP Nha Trang sử dụng nguồn vốn đầu tư và chuyên gia nước ngoài. Hình thức này đã được mở rộng ra Côn Đảo, Phú Quốc và một số vùng biển khác, nhưng quy mô nhỏ bé và hình thức còn đơn giản, chưa tạo được “thị trường riêng”. Ngoài ra, các hình thức du lịch giải trí nói trên đã được áp dụng, nhưng không thường xuyên, mức độ khác nhau ở Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, vịnh Bái Tử Long, Lý Sơn, Phú Quý…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của nghề cá giải trí ở nước ta, Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 đã khuyến khích phát triển nghề cá giải trí. Đặc biệt, dự thảo Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2030 tiếp tục đề cập đến nghề cá giải trí như là một trong những giải pháp hướng tới nghề cá bền vững và có trách nhiệm ở nước ta. Phát triển nghề cá giải trí đúng hướng, hiệu quả sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao cho ngành thủy sản, bao gồm mục tiêu mở rộng diện tích bảo tồn biển lên đến 6% diện tích vùng biển tự nhiên. Tiềm năng các đảo nhỏ ở nước ta sẽ được đánh thức, nền kinh tế dựa vào bảo tồn, trong đó có nghề cá giải trí nhất định khởi sắc.

>> Nghề cá giải trí gắn với phát triển du lịch biển đảo trở thành các hình thức du lịch mới được ưa chuộng, dựa vào tự nhiên, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học biển. Thay vì đánh cá bán, thường gây suy giảm nguồn lợi, phá hủy các hệ sinh thái và các sinh cảnh quan trọng đối với các loài sinh vật biển; thì nghề cá giải trí chỉ tận dụng các giá trị phi vật thể, giá trị chức năng và dịch vụ của các hệ sinh thái cũng như sinh cảnh biển.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!