Để nghề cá toàn cầu không bị xóa sổ!

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo FAO, ngư dân đánh bắt hơn 77 tỷ kg hải sản mỗi năm. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ đánh bắt này, nghề cá toàn cầu sẽ sớm bị xóa sổ. Để bảo vệ nguồn lợi biển, ngư dân toàn cầu phải khai thác cá bền vững.

Nhức nhối nạn đánh bắt quá mức 

Cá ngừ vây xanh là một minh chứng của nạn khai thác quá mức. Đây là một trong những loài cá to lớn và nhanh nhất Trái đất, cũng là thực phẩm nổi tiếng thế giới. Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh khiến giá cá ngừ vây xanh tăng vọt và đe dọa trực tiếp đến nguồn lợi tự nhiên. Tỷ lệ cá ngừ vây xanh sinh sản hiện nay chỉ bằng 29% những năm 1970. Từ thập niên 70, ngành khai thác cá ngừ vây xanh được thương mại hóa bằng nghề lưới vây và câu vàng. Cả hai phương pháp này đều hiệu quả với sản lượng đánh bắt lên đến hàng trăm, hàng nghìn con cá cùng lúc.

Để duy trì trữ lượng cá, cần giảm đánh bắt quá mức và không mong muốn thông qua quản lý nghề cá. Ảnh: Sunset Magazine

Đánh bắt nhiều cá cùng lúc mang lại lợi nhuận ngay trước mắt cho ngư dân. Tuy nhiên, đánh bắt theo cách này liên tục sẽ tận diệt nguồn lợi biển. Nhiều loài cá đối mặt nạn khai thác quá mức do tốc độ khai thác nhanh hơn tốc độ sinh sản. Lưới vây, câu vàng và nhiều phương pháp đánh bắt khác kéo theo sản lượng không mong muốn. Ví dụ, chim biển, rùa biển và cá kiếm (Xiphias gladius) là những đối tượng đánh bắt không chủ ý trong nghề câu vàng cá ngừ vây xanh (Thunnus thynnus). 

Cá vược Chile (Dissostichus eleginoides), còn gọi cá tuyết Nam Cực cũng là đối tượng đang bị đánh bắt quá mức. Vào thập niên 1990, loài cá này lọt “top” trong menu của các nhà hàng khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia khác khiến nhu cầu ngày càng tăng. Cá tuyết Nam Cực có nguồn gốc Nam Thái Bình Dương và Nam Đại Tây Dương, thường được khai thác bằng dây câu trên vùng biển quốc tế. Khai thác cá tại khu vực này tuân theo thỏa thuận quốc tế rất khó thực thi; do đó, tệ nạn khai thác bất hợp pháp diễn ra phổ biến. Sản lượng đánh bắt và kích cỡ trung bình của cá giảm dần làm giá cá tăng cao hơn, tạo cơ hội cho nạn đánh bắt trái phép bùng phát. 

Đầu thập niên 2000, hàng trăm đầu bếp Mỹ tham gia chiến dịch “Từ chối cá vược Chile” với hi vọng nguồn lợi biển có thời gian phục hồi. Hiện nay, nhập khẩu cá vược Chile vào Mỹ được Cơ quan nghề cá quốc gia quản lý chặt chẽ, nhưng nạn khai thác trái phép vẫn tiếp diễn. 

Khai thác quá mức cũng xảy ra ở các hệ sinh thái nước ngọt. Biển Caspian, nơi sinh sống của cá tầm beluga khổng lồ (Huso huso) là “điểm nóng” của nạn khai thác “tận diệt”. Loài cá này có thể nặng tới 1.135 kg và mất khoảng 20 năm để trưởng thành. Cá tầm Beluga nổi tiếng với món trứng cá muối đắt đỏ. Thực tế, cá tầm biển Caspian là nguồn cung khoảng 90% trứng cá muối trên thế giới. Các quốc gia trên toàn thế giới đều có luật quản lý khai thác và nhập khẩu trứng cá muối, nhưng do nhu cầu tiêu thụ cao nên nạn đánh bắt bất hợp pháp vẫn diễn biến phức tạp khiến quần thể cá tầm tiếp tục giảm.

Phương pháp khai thác bền vững

Có nhiều cách đánh bắt cá bền vững để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho con người, đồng thời duy trì phát triển nguồn lợi trong tương lai. Thực chất, ngư dân đã tìm ra những cách thức đánh bắt cá bền vững từ hàng nghìn năm trước, tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động đánh bắt cá bền vững ngày nay. 

Ngư dân Tagbanua ở Philippines có phương pháp đánh bắt cá truyền thống là khai thác và bảo tồn nguồn lợi song song. Ngày nay, họ vẫn duy trì phương pháp này. Ngoài ra, ngư dân chỉ đánh bắt cá vào những thời điểm nhất định trong năm căn cứ theo thủy triều và mặt trăng để quần thể tôm cá có thời gian sinh sản và phát triển. Người dân Tagbanua khoanh vùng một số khu vực cấm đánh bắt cá, chẳng hạn như rạn san hô. Khi khai thác hải sản, ngư dân truyền thống chủ yếu dùng phương pháp câu bằng dây và lưỡi câu, chỉ đánh bắt đủ lượng thực phẩm nuôi sống bản thân và cộng đồng. Phương pháp này của người Tagbanua ngăn ngừa được tình trạng gây thương tích hoặc tử vong cho loài cá heo Irrawaddy địa phương. 

Người dân tộc bản địa cổ đại Polynesia ở Nam Thái Bình Dương cũng sống dựa vào nguồn lợi biển. Các phương pháp đánh bắt cá phổ biến nhất là móc câu, giáo hoặc thả lưới. Lưỡi câu có thể làm bằng xương, vỏ sò hoặc đá tùy từng đối tượng đánh bắt. Một số phương pháp đánh bắt cá bền vững này vẫn được áp dụng đến ngày nay. Ví dụ, người Hawaii bản địa đánh bắt cá bằng lưới và giáo. Bắt cá bằng giáo cũng là hoạt động giải trí phổ biến ở một số khu vực thuộc Mỹ, gồm Florida và Hawaii. Đây là phương pháp đánh bắt bền vững, vì nó nhắm vào từng con cá nên không dẫn đến tình trạng khai thác quá mức hoặc không có chủ ý. 

Quản lý nghề cá khoa học

Đến nay, cá và nhiều sinh vật thủy sinh khác vẫn là nguồn thực phẩm và nguyên liệu thô chủ yếu cho con người. Để duy trì trữ lượng cá, chúng ta cần giảm đánh bắt quá mức và không mong muốn thông qua quản lý nghề cá. Quản lý nghề cá không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi nó đòi hỏi sự hợp tác ở tất cả các cấp chính quyền, từ cộng đồng địa phương đến các quốc gia trên toàn cầu. 

Mỗi quốc gia phải có trách nhiệm quản lý hoạt động đánh bắt cá ở hải phận của mình. Tại Mỹ, Cơ quan nghề cá, thuộc Cục quản lý khí tượng và hải dương quốc gia (NOOA) chịu trách nhiệm quản lý nghề cá ở vùng biển cách đất liền từ 5 đến 321 km trong khi các địa phương quản lý vùng biển gần bờ. 

Quản lý hoạt động đánh bắt cá ở vùng biển quốc tế rất phức tạp và cần thỏa thuận chung giữa nhiều quốc gia. Hiện có 17 tổ chức Quản lý nghề cá khu vực (RFMO), bao gồm các quốc gia có chung lợi ích kinh tế trong một khu vực cụ thể. Khi các quốc gia thành viên thống nhất các quy định của RFMO, đồng nghĩa họ phải tuân thủ các quy định này, gồm hạn ngạch đánh bắt và ngư cụ được sử dụng. Những quy định này đã góp phần làm giảm sản lượng đánh bắt không mong muốn (cá heo mắc lưới cá ngừ), nhưng việc đảm bảo và phát triển nguồn lợi biển bền vững vẫn là một thách thức. Thực thi các quy định đánh bắt cá trên biển cũng là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng các quốc gia thành viên đã nỗ lực giải quyết các vấn đề khai thác trái phép và ngăn chặn mua bán loại hải sản này. 

Ủy ban nghề cá Bắc Thái Bình Dương (NPAFC) là một tổ chức bảo tồn nguồn lợi tự nhiên khá thành công. Với 5 thành viên gồm Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, và Mỹ, NPAFC đặt ra lệnh cấm đánh bắt cá hồi trên biển bằng lưới kéo bởi ngư cụ này “bẫy” nhiều đối tượng không mong muốn như chim biển, động vật có vú và nhiều loài cá khác. Đại diện NPAFC cho biết, mục tiêu của quản lý nghề cá là phát triển các quy định dựa trên dữ liệu khoa học. Những quy định này có thể dựa trên kiến thức về đặc tính của từng loài như vòng đời, di cư…

Mỹ là một trong những quốc gia siết chặt quản lý đánh bắt cá ngừ vây xanh. Ngư dân chỉ có thể bắt loài cá này bằng cần câu và cuộc dây hoặc lao ném tay. Để được đưa lên khỏi mặt biển, mỗi con cá ngừ phải đảm bảo kích thước ít nhất 185 cm. Ngư dân cũng đánh bắt theo hạn ngạch đã quy định hàng năm. Khi đạt hạn ngạch, chính phủ sẽ đóng cửa vụ khai thác. 

Các nước phương Tây cũng kêu gọi người tiêu dùng lựa chọn hải sản gắn nhãn mác bền vững và được quản lý tốt. Sau cùng, khi các hoạt định chính sách đưa ra quy định cần đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu của người tiêu dùng, sinh kế của ngư dân và dữ liệu của các nhà khoa học. 

Tuấn Minh

(Theo Nationalgeographic)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!