T5, 07/09/2023 04:55

Diễn đàn Tôm Toàn cầu 2023: Ủng hộ chiến dịch ngăn “cuộc đua xuống đáy”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Diễn đàn Tôm Toàn cầu 2023 được tổ chức từ ngày 5 – 7/9/2023 tại Utrecht, Hà Lan. Trở lại sau thành công năm 2022, diễn đàn quy tụ đại diện của hơn 272 các công ty tham dự, đến từ 35 quốc gia.

Diễn đàn có sự góp mặt của các diễn giả trong ngành cùng tham gia thảo luận các chủ đề về đổi mới công nghệ, các thị trường triển vọng, khung pháp lý và quy định trong ngành nhằm nâng cao về quy mô và chất lượng của ngành tôm toàn cầu trong giai đoạn khó khăn hiện tại. 

Diễn đàn Tôm Toàn cầu 2023 có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trên toàn cầu. Ảnh: Undercurrentnews

Hơn hết, đây là cơ hội để gia tăng sự kết nối giữa các doanh nghiệp, mở rộng quy mô thị trường cho các nhà sản xuất, các công ty thức ăn chăn nuôi, nhà cung cấp công nghệ, nhà chế biến, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ và các bên liên quan khác trong ngành. 

>> Cuộc đua xuống đáy (tiếng Anh: Race to the Bottom) là thuật ngữ chỉ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, quốc gia, tiểu bang, bằng cách giảm chất lượng, bỏ qua vấn đề an toàn của người lao động, hoặc cắt giảm tiền lương và phúc lợi của nhân công, nhằm giảm giá sản phẩm xuống thấp hơn đối thủ. Đây là cuộc đua vi phạm tiêu chuẩn đạo đức và gây hại tới môi trường, nhân viên, cộng đồng.

Anh Thư

(Theo Undercurrentnews)

13h22, GMT, 7/9/2023

Bangladesh: Tập trung phát triển ngành tôm thẻ chân trắng cho nhu cầu trong nước, tôm sú cho xuất khẩu

Ông Shyamal Das, chủ sở hữu nhà máy chế biến hải sản M.U. cho biết, lý do mà Bangladesh chuyển hướng sang nuôi trồng tôm thẻ chân trắng vào thời điểm sản lượng toàn cầu tăng cao và giá cả vẫn đang trên đà giảm là vì để đáp ứng nhu cầu tăng nhanh tại thị trường nội địa thời gian trở lại đây. Ông cho biết, khoảng 50% sản lượng tôm sú từ các trang trại Bangladesh được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Nước này đặt mục tiêu đạt sản lượng 30.000 tấn tôm thẻ chân trắng và 85.000 tấn tôm sú trong 3 năm tới. Đối với tôm sú, vốn là một trong những mặt hàng chủ lực của ngành nuôi tôm tại nước này, nay lại được chuyển hướng tập trung phục vụ cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu.

Hướng đi mới này có thể sẽ giúp Bangladesh tiến xa hơn vào các thị trường mới như Nam Âu. Hà Lan, Bỉ và Anh vẫn là các thị trường chính với khoảng 84% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của nước này tại châu Âu.  

22h07, GMT, 6/9/2023

Sản lượng nuôi tôm RAS nước sạch của Trung Quốc tăng nhanh

Theo các chuyên gia tại Diễn đàn Tôm Toàn cầu 2023, sản lượng tôm nuôi tại các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của Trung Quốc đang tăng nhanh và có thể làm thay đổi ngành công nghiệp nước này. Các trang trại công nghiệp trong nhà sử dụng ao bê tông và hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) để đạt được từ 3 đến 5 vụ thu hoạch tôm mỗi năm, vượt xa nuôi trồng thủy sản trong ao truyền thống trong nước. Nhờ áp dụng hệ thống này vào sản xuất mà sản lượng tôm tăng lên từ 4 đến 10 lần so với các ao nuôi thông thường. 

Ông Guo Fuci, người đứng đầu ngành nuôi trồng thủy sản toàn cầu tại Royal Agrifirm cho biết, 8 trang trại tôm lớn sử dụng hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) tại Trung Quốc, tập trung ở các tỉnh ven biển như Sơn Đông, Hà Bắc và Giang Tô hiện sản xuất khoảng 70.000 tấn tôm các loại mỗi năm, chiếm thị phần ngày càng cao trong sản lượng tôm nuôi của nước này. 

Ông Guo Fuci cho biết thêm, chi phí sản xuất trong các hệ thống mới này của Trung Quốc có thể ở mức 5,10 USD/kg, thấp hơn nhiều so với chi phí của các hệ thống RAS trên đất liền trước đây tại Châu Âu và Mỹ.

22h07, GMT, 6/9/2023

Tín hiệu phục hồi cho thị trường Mỹ

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành tại Diễn đàn tôm toàn cầu 2023, sản lượng tôm tồn kho tại thị trường Mỹ có thể sắp đạt đến điểm uốn quay trở lại đà tăng, khi nhu cầu của người mua bắt đầu tăng trở lại. Ông Travis Larkin, Chủ tịch Seafood Exchange, cũng lưu ý rằng ông nhận thấy sự biến động tích cực trong lượng hàng tồn kho của Mỹ và nhiều hoạt động sôi nổi từ phía người mua. Ông DelaLlana, Giám đốc thu mua của Chicken of the Sea, đánh giá nguồn cung tôm bóc vỏ được thu mua tại các nhà hàng đang tăng nhanh trở lại trong khi các hoạt động bán lẻ vẫn giữ ở mức chậm. Ông cũng bày tỏ kỳ vọng nhu cầu bán lẻ sẽ phục hồi trong những mùa lễ hội cuối năm sắp diễn ra và đưa ra những cảnh báo tới các nhà bán lẻ nên thận trọng với các đơn đặt hàng lớn trong quý IV/2023 để tránh bị ảnh hưởng bởi tình trạng dư cung như giai đoạn trước. 

19h45, GMT, 6/9/2023

Sản lượng nhập khẩu tôm của Nhật Bản 9% so với cùng kỳ năm ngoái

Trong những năm gần đây, thị trường nhập khẩu tôm tại Nhật bản vô cùng ảm đạm. Thị trường này từng nhập khẩu hơn 300.000 tấn mỗi năm đã và đang rơi vào tình trạng trì trệ trong gần 1 thập kỷ qua. Tổng sản lượng nhập khẩu tôm của nước này được dự đoán sẽ tiếp tục rơi vào đà giảm cho đến cuối năm 2023, xuống dưới 200.000 tấn. Theo thống kê, nửa đầu năm 2023, nhập khẩu giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, tín hiệu đáng mừng cho ngành nhập khẩu tôm giá trị gia tăng cao tại nước này vẫn giữ được mức ổn định.

Ông Hidetami Haruta, nhà thu mua của Maruha Nichiro cho biết, Nhật Bản vốn là một thị trường đặt biệt hướng đến các sản phẩm tôm có vỏ không đầu, nhưng đến thời điểm hiện tại gần 70% lượng nhập khẩu của nước này chuyển dần sang các sản phẩm tôm chế biến bóc vỏ. 

Đối với sản phẩm có giá trị gia tăng, Thái Lan vẫn là nhà cung cấp số một của thị trường Nhật Bản. Sản lượng tôm VAP từ Thái Lan năm 2022 dường như đã phục hồi trở lại, giữ mức khoảng 25.000 tấn.

15h31, GMT, 6/9/2023

Sản lượng nhập khẩu tôm của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua

Theo dữ liệu thương mại do ông Willem van der Pijl, người sáng lập Shrimp Insights, trong 6 tháng đầu năm 2023 sản lượng nhập khẩu tôm của Mỹ giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm liên tục này bắt đầu từ năm 2022, khi lượng nhập khẩu tôm hàng năm giảm từ 900.000 tấn xuống còn 850.000 tấn. Nếu đến cuối năm 2023, không có sự đột phá và tốc độ tăng trưởng âm vẫn được duy trì thì tổng sản lượng nhập khẩu tôm năm 2023 của Mỹ có thể giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Đặt biệt, các sản phẩm tôm bóc vỏ, đông lạnh và tẩm bột nhập khẩu giảm sâu. 

Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia xuất khẩu tôm hàng đầu tại thị trường Mỹ, mặc dù thị phần của nước này đã giảm trong những năm gần đây do chịu ảnh hưởng từ quá trình đẩy mạnh xuất khẩu của các nước sang Mỹ. Hiện, Ecuador đã chiếm lĩnh thị phần của Ấn Độ về các sản phẩm tôm có vỏ.

12h26, GMT, 6/9/2023

Hạn ngạch khai thác cá tuyết Barents giảm, tin vui cho ngành tôm nước lạnh

Theo bà Ingvild Mikkelsen, Trưởng nhóm nghiên cứu thị trường và bán hàng của Stella Polaris cho biết, tổng sản lượng đánh bắt cho phép (TAC) đối với cá tuyết Đại Tây Dương tại vùng Biển Barents giảm là tin tốt cho ngành tôm nước lạnh của Na Uy. Theo dự đoán của các chuyên gia sẽ cần cắt giảm thêm 20% sản lượng đánh bắt cho phép đối với cá tuyết xuống còn 460.000 tấn vào năm 2024. Sản lượng đánh bắt cho phép đối với tôm nước lạnh Bắc Đại Tây Dương duy trì ổn định ở mức 153.000 tấn. Nhờ duy trì đà tăng trưởng này mà riêng tại vùng biển Barents, sản lượng đánh bắt đã tăng lên chỉ hơn 30.000 tấn vào năm 2023 từ mức dưới 25.000 tấn của năm 2022.

Cũng theo bà Ingvild Mikkelsen, trong 5 năm trở lại đây, đã có nhiều tàu mới tham gia đánh bắt cá tại vùng biển Barents. Sự tăng trưởng này được đánh giá là đến từ xu hướng giảm giá và hạn ngạch khai thác cá tuyết. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy cho ngành đánh bắt tôm nước lạnh và một số ngành thủy sản khác.

12h15, GMT, 6/9/2023

Tín hiệu lạc quan về thị trường tôm đỏ Argentina 

Ông Fernando Lago, Giám đốc kinh doanh của công ty Grupo Iberica de Congelados, Tây Ban Nha cho biết ngành xuất khẩu tôm Argentina HLSO của nước này nhận được những tín hiệu tích cực từ thị trường hơn so với tôm HOSO. Theo đó, tôm Argentina HLSO được dự đoán sẽ sớm dẫn đầu tại các thị trường có giá trị cao. Trong khi đó, tôm HOSO đông lạnh vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn tại các thị trường mới.

Tại thị trường Trung Quốc, tôm HOSO gặp phải cạnh tranh gay gắt từ tôm thẻ chân trắng. Châu Á và khu vực Bắc Phi được đánh giá là một trong những trung tâm giá trị gia tăng lớn cho ngành tôm Argentina HLSO.

9h41, GMT, 5/9/2023

Gia tăng hỗ trợ cho chứng nhận theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC)

Trong phiên thảo luận bàn tròn, vấn đề về việc áp dụng chứng nhận theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) trên thực tế chưa đạt được hiệu quả như kế hoạch được các đại biểu tham dự trao đổi và bàn luận. Theo thống kê, hiện chỉ 20% trang trại nuôi tôm trên thế giới đặt mục tiêu được Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) chứng nhận vào năm 2030. 

Nguyên nhân đến từ khâu quản lý về mức giá và những lợi ích mà nhà quản lý đưa ra trong cam kết cho người nông dân chưa được thực hiện hiệu quả. Hơn nữa, hiện tại không có thị trường tiêu thụ nào yêu cầu bắt buộc đối với chứng nhận ASC. Ngoài ra chi phí cho thủ tục này tương đối cao. Do đó cần có những chính sách hỗ trợ để nông dân tham gia các chương trình một cách nhanh chóng và đồng bộ hơn. 

Ông Cormac O'Sullivan, đại diện cho chương trình xác minh Seafood Watch tại Monterey Bay Aquarium của Hoa Kỳ lưu ý rằng các cơ quan chứng nhận cần trao quyền lợi tới người nông dân. Bao gồm đầu tư vào các dự án phát triển cộng đồng địa phương, tạo điều kiện để sản phẩm thủy sản trong nước tiếp xúc với các thị trường dịch vụ thực phẩm và bán lẻ cao cấp ở Bắc Âu và châu Á. Đồng thời, hỗ trợ người nông dân dễ dàng tiếp cận các chính sách tài chính từ các ngân hàng trên toàn cầu.

18h05, GMT, 5/9/2023

Dự báo sản lượng tôm nuôi năm 2023 tăng trưởng 6%

Theo dữ liệu của nhà phân tích Ragnar Nystoyl của Kontali, sản lượng tôm nuôi toàn cầu dự kiến sẽ tăng 6%, đạt 6,35 triệu tấn vào năm 2023, trong khi sản lượng đánh bắt tự nhiên sẽ giảm nhẹ 1%, đạt khoảng 3,2 triệu tấn. 

Phần lớn sản lượng đánh bắt tôm tự nhiên toàn cầu đến từ thị trường châu Á. Trong mức sản lượng toàn cầu chỉ hơn 3 triệu tấn, có 1,8 triệu tấn tôm nương, tôm akami và tôm sú được đánh bắt ở Đông Á. Tại khu vực Nam Á, tổng sản lượng khai thác tôm sú và tôm kiddi đạt 500.000 tấn, với 400.000 tấn tôm nương và tôm sú được thu hoạch ở Đông Bắc Á. Khoảng 300.000 tấn tôm các loại đến từ các thị trường châu Âu, Canada và Greenland. Riêng Argentina đạt sản lượng khoảng 200.000 tấn tôm đỏ.

17h58, GMT, 5/9/2023

Thị trường Trung Quốc tiềm năng nhưng nhiều rủi ro, cần có chiến dịch tiếp thị hợp tác toàn cầu trong năm 2023

Mục tiêu của ngành tôm toàn cầu hiện nay là tăng tiêu dùng tôm và khuyến khích, thu hút khách hàng mới bằng cách đưa ra một chiến dịch tiếp thị toàn cầu thống nhất. 

Ông Sandro Coglitore, Giám đốc điều hành của Omarsa đánh giá với ngành tôm Ecuador, Trung Quốc là một thị trường tiềm năng, mang lại lợi nhuận nhưng cũng nhiều rủi ro. Ông cũng cho rằng ngành tôm Ecuador không thể tiếp tục tăng trưởng nếu phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc như hiện nay. Thị trường Trung Quốc đã giúp ngành tôm Ecuador phát triển đến vị trí hiện tại. Tuy nhiên, về lâu dài, thực sự cần phải tìm các cơ hội đế tiến gần hơn đến hoạt động bán lẻ ở các thị trường bền vững khác. Ông cho biết chỉ riêng Omarsa đang vận chuyển 500 - 600 container mỗi tháng sang Trung Quốc. 

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Tôm 2023, tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu về một chiến dịch tiếp thị chung toàn cầu đã được thảo luận chuyên sâu. Dự kiến chiến dịch này sẽ được tiến hành trong năm nay, theo ông Sandro Coglitore.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!