Đoạn kết buồn và nguyện vọng của chủ trang trại

Chưa có đánh giá về bài viết

“Tôi mong sớm được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, để an tâm chuyển đổi mô hình sản xuất, không chỉ với riêng gia đình tôi mà còn liên quan hàng chục lao động” – Phát biểu của Nguyễn Đình Dũng, chủ trang trại từng tham gia Hội nghị người nuôi trồng thủy sản giỏi toàn quốc.

Chuyện “xưa”…

Ông Nguyễn Đình Dũng (bên phải) và nguyên Bộ trưởng Thủy sản Tạ Quang Ngọc, năm 2002

Còn nhớ dạo chúng tôi gặp Nguyễn Đình Dũng tại Hội nghị biểu dương những người nuôi trồng thủy sản giỏi toàn quốc, năm 2002. Nhanh nhẹn, hoạt bát, nói chuyện dí dỏm, nụ cười tươi, Dũng để lại ấn tượng khó quên. “Có dịp mời các anh ghé thăm trang trại chúng tôi. Gia đình tôi nhận thầu 100 ha mặt nước hồ thủy lợi để thả cá. Trang trại bên hồ, diện tích gần chục ha, chăn nuôi, trồng trọt, kết hợp dịch vụ. Lợi nhuận không nhiều, điều thành công là tạo công ăn việc làm cho hơn 70 đoàn viên thanh niên địa phương”.

Ít lâu sau cuộc gặp trên, chúng tôi có dịp về xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, bấy giờ đang thuộc Hà Tây. Hỏi thăm trang trại sinh thái Hòa Lạc, người dân địa phương tận tình chỉ đường. Tay bắt mặt mừng, Dũng trực tiếp dẫn chúng tôi thăm các khu nuôi đà điểu, gấu, trăn, khỉ và nhiều loại gà (gà sao, gà mía, gà H’Mông, nhất là gà Ai Cập mắn đẻ, chống bệnh dịch tốt).

Thực đơn khu nhà hàng nghỉ ngơi, ăn uống, hai món đặc sản là gà và cá. Những con trắm vài chục kg, những con chép 5 – 7kg, được đánh từ hồ 100 ha liền kề trang trại. Mỗi năm Dũng thu hoạch 60 – 70 tấn cá, lãi hàng trăm triệu đồng.

Trang trại có hẳn một sân vận động, phục vụ các trận thi đấu bóng đá thanh niên địa phương, thi thoảng tổ chức đêm lửa trại cho các đoàn khách từ xa đến. Bảo vệ, lễ tân, đầu bếp, chạy bàn… đều là thanh niên địa phương. Ngoài dịch vụ ăn uống, vui chơi, trang trại của Dũng có thêm dịch vụ ngày ấy còn khá hiếm là bơi thuyền, câu cá. Những người “sát cá” ở Hà Nội và Hà Tây hầu như ai cũng biết hồ câu của Dũng. “Có lẽ vì thế họ gọi tôi là Dũng Cá”, Dũng tự giới thiệu biệt danh ngồ ngộ của mình.

 

Lập nghiệp từ tay trắng

Chuyện anh bộ đội xuất ngũ Nguyễn Đình Dũng trở thành chủ trang trại nổi tiếng đã được nhiều báo đăng. Vùng quê Dũng đất đai cằn cỗi; ngoài lúa, người dân trồng thêm khoai, sắn, song hiệu quả kinh tế không cao. Nơi Dũng lập trang trại nguyên là trường bắn của quân đội; sau khi chuyển giao cho dân sự, tỉnh và huyện có chủ trương đưa dân đến đây khai hoang, lập khu “kinh tế mới”.

Năm 1993, Dũng hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương. Nhà nghèo, trong tay hầu như không một đồng vốn, Dũng chỉ có sức khỏe và một khát vọng phải làm việc gì đó để không chỉ đủ ăn mà còn có thể giàu lên. “Tôi mạnh dạn nhận đất làm kinh tế mới, rồi nhận chuyển nhượng thêm của những hộ không bám trụ được, từ đó dần hình thành trang trại”, Dũng kể. “Các cụ nói thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc; tôi nhận thầu hồ nước cả trăm ha để thả cá. Công việc đòi hỏi bám hiện trường, tổ chức tốt hoạt động bảo vệ, phải biết dân vận nữa mới giữ được nguồn lợi thủy sản. Tôi dựng lán, ăn ngủ cùng anh em bảo vệ, ngày trồng cây, đêm trông cá, những năm đầu khá vất vả, khi nguồn thu hầu như chưa có”.

Chuyện trồng cây thả cá trên đá tổ ong diễn ra vào thời điểm kinh tế thị trường, kinh tế trang trại mới hình thành, chưa rầm rộ như bây giờ. Nhiều báo khi ấy “phong” Nguyễn Đình Dũng là người tiên phong trong phong trào thanh niên lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm.

Với cá, Dũng không chỉ ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật nuôi cá với Trung tâm Giống thủy sản Hà Tây mà còn đi Bắc Ninh, Hải Dương học hỏi kinh nghiệm. Chưa kể, Dũng chi tiền vận chuyển cá điêu hồng, cá bống tượng giống từ miền Nam ra theo đường hàng không để thả trên hồ Tân Xã. Đến nay, giống cá rô phi đơn tính chóng lớn, thịt thơm ngon do Dũng thả vẫn là đặc sản ở đây…

 

“Rơi” vào khu công nghệ cao

Mới đây, về thăm lại cơ ngơi của Dũng, chúng tôi không khỏi bùi ngùi tiếc nuối. Cái trang trại rộng lớn, quy củ, từng là mô hình được Trung ương Đoàn và Tỉnh Đoàn Hà Tây cũ lấy làm gương điển hình cho rất nhiều đoàn khách đến tham quan, học tập, nay cỏ lau um tùm, xen một vài nhà sàn dột nát, xiêu vẹo.

“Toàn bộ trang trại của tôi rơi vào Khu công nghệ cao Hòa Lạc; đến nay vẫn chưa được nhận đủ tiền bồi thường, còn phải cử người trông nom. Trong khi chờ đợi, tôi đành cho anh em thả mấy con dê cho đỡ buồn”, Dũng nói.

Có lẽ gia đình Dũng là hộ bị thiệt hại nặng nhất khi Nhà nước thu hồi đất để xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Nhưng đây chính là một trong những hộ thực hiện kiểm đếm sớm nhất, bàn giao tài sản sớm nhất cho Nhà nước. Song, việc nhận tiền đền bù thì không may mắn như vậy.

Việc thu hồi một phần hồ Tân Xã ảnh hưởng nhiều đến nuôi trồng thủy sản trên diện tích còn lại

Luật gia Nguyễn Thị Ánh Tuyết, người tham gia nhận ủy quyền của Dũng để khiếu nại việc chậm nhận tiền bồi thường, cho chúng tôi biết: “Việc kiểm đếm được thực hiện năm 2007, áp giá năm 2008. Gia đình Dũng nhận “tạm ứng” tiền bồi thường năm 2009. Số tiền còn lại treo đấy. Dũng phải ủy quyền cho luật gia “đi đòi”. Đầu năm 2013 Dũng mới được nhận; giá cả biến động, khoản tiền này giảm giá trị thực tế chỉ còn phân nửa. Hiện vẫn còn một số khoản tiền Dũng chưa được nhận nốt”. “Thế còn hồ cá, Nhà nước có thu hồi không?”. Luật gia Tuyết cười buồn: “Đó là cả câu chuyện dài…”.

 

Chuyện nay…

Theo luật gia Tuyết, toàn bộ hồ Tân Xã cũng đã được quy hoạch vào Khu công nghệ cao. Huyện và xã đã có kế hoạch kiểm đếm, để tiến hành đền bù trong việc thu hồi hồ này. Trong đó, theo luật định, có việc bồi thường cho người nuôi trồng thủy sản.

“Cuối năm 2012, một phần hồ (khoảng 10 ha) đã được thu hồi, đổ đất san lấp mặt bằng; nhưng người nuôi trồng thủy sản trong hồ chưa được bồi thường, hỗ trợ”, luật gia Tuyết cho biết, “Phần diện tích còn lại vẫn chưa được kiểm đếm; điều này tác động xấu đến hoạt động sản xuất của người nuôi trồng thủy sản”.

Nguyễn Đình Dũng cho biết thêm, Nhà nước thông báo chủ trương thu hồi hồ này từ hai năm nay, khiến gia đình anh phải hạn chế đầu tư chiều sâu, chuyển đổi nghề nghiệp cho nhiều lao động. Một phần hồ bị thu hồi đã ảnh hưởng đến việc chăn nuôi cá ở diện tích còn lại, do tiếng ồn và do mặt nước bị ô nhiễm.

“Tôi đã có đơn đề nghị sớm kiểm đếm, áp giá phần công sức đầu tư nuôi trồng thủy sản của gia đình tôi, để chúng tôi có điều kiện chuyển đổi sản xuất khi hồ bị thu hồi. Số lao động nay chỉ còn khoảng 30 người, họ rất hoang mang. Do chuyện này, nuôi trồng thủy sản càng khó khăn hơn”.

>> Dũng đã có đơn gửi Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam. Trung ương Hội đã có công văn chuyển đơn của Dũng tới lãnh đạo TP Hà Nội, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc và UBND huyện Thạch Thất, đề nghị có biện pháp phù hợp pháp luật, bảo vệ quyền lợi người nuôi trồng thủy sản.

Thanh Thủy

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!