“Đồng quản lý vì một biển xanh đầy cá”

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Sáng ngày 21/8, Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) phối hợp cùng Chi cục Thủy sản Quảng Nam tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương đến địa phương”.

Sau 3 năm triển khai, các cộng đồng mà chính quyền giao cho người dân quản lý đã góp phần bảo vệ 180 ha diện tích rạn san hô. Kết quả giám sát rạn san hô thời gian qua cho thấy độ phủ san hô tại Bãi Dứa (Nhơn Lý), Hòn Khô Nhỏ (Nhơn Hải), Hòn Nhàn (Ghềnh Ráng) của tỉnh Bình Định và Bãi Hương của tỉnh Quảng Nam đạt từ 30% đến 60%, có nơi lên đến gần 80%. Các rạn san hô ở điểm Rạn Trào (Khánh Hòa) và Tam Tiến (Quảng Nam) đều có dấu hiệu phục hồi. Đa dạng loài đạt ở mức trung bình về số lượng lẫn chủng loại. Tại các điểm thực hiện đồng quản lý cũng đã ghi nhận sự xuất hiện một lượng lớn cá giò và cá thìa non. 

Vùng biển Tam Tiến, Quảng Nam được MCD hỗ trợ bảo tồn biển với sự tham gia của đông đảo cộng đồng địa phương. Ảnh: ST

Không chỉ vậy, thông qua các hoạt động tuyên truyền, các mô hình đồng quản lý đã tập huấn, tăng cường năng lực cho hơn 500 người là cán bộ địa phương, thành viên tổ chức cộng đồng và người dân. Thông qua các buổi tập huấn, người dân hiểu rõ hơn về Luật thủy sản, hướng dẫn thực hiện đồng quản lý theo luật thủy sản 2017, các kỹ năng phát triển sinh kế gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. 

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Cộng đồng là yếu tố không thể thiếu trong phát triển bền vững. Đồng quản lý là một quá trình diễn ra liên tục, trong quá trình thực hiện luôn xuất hiện những thách thức. Đây là câu chuyện không của riêng ai mà là nỗ lực của toàn thể cộng đồng đang sử dụng, khai thác, bảo vệ, quản lý nguồn lợi và tài nguyên vì một biển xanh đầy cá. 

Bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD cho biết: từ năm 2021-2023, dự án được tổ chức tại 3 tỉnh là Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa. Năm 2017, Luật Thủy sản sửa đổi và được Quốc hội thông qua. Trải qua 5 năm có thể thấy tinh thần đồng quản lý trong Luật Thủy sản đã được đưa vào cuộc sống một cách hiệu quả.  

San hô phục hồi sau thời gian được khoanh vùng bảo vệ tại Nhơn Hải, Bình Định. Ảnh: ST

Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Luật Thủy sản 2017 với các sáng kiến từ Trung ương đến địa phương” đã mở ra những cơ hội mới, cung cấp những kinh nghiệm hữu ích để nhân rộng thêm nhiều hơn các mô hình cộng đồng quản lý góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản một cách bền vững. 

>> Luật Thủy sản năm 2017 ghi nhận cơ sở pháp lý cho thực hành đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều 10 của Luật này làm rõ vai trò quan trọng của tổ chức cộng đồng, trao quyền đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là động lực thúc đẩy cộng đồng ngư dân tham gia vào quản lý nguồn lợi, các bài học từ thực tế góp phần hoàn thiện chính sách quản lý nguồn lợi thủy sản. Phương thức đồng quản lý được ghi nhận tại luật thủy sản 2017 qua thực tế cho thấy tiềm năng thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng ngư dân, Chính phủ và tổ chức liên quan, tạo tương tác và chia sẻ trách nhiệm, quyền hạn trong việc quản lý nguồn lợi thủy sản một cách bền vững. 

Thùy Khánh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!