Giải pháp hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 13/7, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm bàn giải pháp hạn chế tổn thất chất lượng cá ngừ đại dương của nghề câu đèn (câu tay kết hợp ánh sáng).

Ảnh: Văn Bình

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe và thảo luận về hiện trạng nghề câu cá ngừ đại dương bằng câu tay kết hợp ánh sáng; kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ khai thác thủy sản (Đại học Nha Trang) về chất lượng cá ngừ câu đèn; nghề câu tay cá ngừ đại dương ở một số nước lân cận; chất lượng cá ngừ câu tay ở Việt Nam và các giải pháp nâng cao chất lượng… Theo đó, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng, trong đó công nghệ khai thác và bảo quản là 2 yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến chất lượng cá khai thác. Trên cơ sở này, các nhà khoa học khuyến cáo ngư dân nên có một số thay đổi trong việc thu câu, cách thức đưa cá lên khoang tàu, giết cá, xả máu, ngâm hạ nhiệt trước khi bảo quản…

Ông Somboon, thuộc Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) cho biết, Việt Nam cần cải thiện công nghệ câu, công nghệ bảo quản, sau khi đưa cá lên tàu phải làm lạnh ngay. Quá trình làm lạnh qua 2 giai đoạn: làm lạnh bề mặt cá trước rồi mới lạnh vào trong lõi thân cá; sử dụng đá và nước biển để làm lạnh; vận chuyển cá lên bờ nhẹ nhàng (không bẻ xoắn, uốn cong cá khi bốc từ hầm lạnh, không ném hay kéo lê trên boong tàu hay sàn cầu…).

Theo Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, năm 2012, Việt Nam khai thác được hơn 22.000 tấn cá ngừ đại dương (tăng gấp đôi so năm 2010). Dự kiến năm nay có thể đạt khoảng 25.000 tấn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 25% sản lượng có thể xuất khẩu tươi, còn lại phải qua chế biến, đóng hộp nên giá trị xuất khẩu giảm nhiều. Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cá ngừ lớn trên thế giới. Sản phẩm cá ngừ đại dương Việt Nam có mặt ở hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy sản lượng xuất khẩu tăng nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu lại không tăng tương ứng do cá không đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, nghề câu đèn cũng có nhiều mặt tích cực nên Tổng cục Thủy sản đang chỉ đạo khẩn trương điều tra, đánh giá để bổ sung nghề này vào danh mục các nghề khai thác ở Việt Nam. Đồng thời, tìm giải pháp để hạn chế tổn thất chất lượng sản phẩm sau thu hoạch của nghề câu đèn. “Hiệp hội sẽ đề xuất các cấp, ngành hỗ trợ kinh phí để ngư dân áp dụng một số giải pháp nâng cao chất lượng cá ngừ đại dương khai thác bằng câu đèn theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Giải pháp nào hiệu quả cao nhất, ít chi phí nhất trên thực tế khai thác sẽ nhân rộng để phát triển”, ông Vũ Đình Đáp cho biết thêm.

>> Hiện, 3 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định có khoảng 1.200 tàu câu cá ngừ đại dương, trong đó hơn 60% hoạt động nghề câu tay kết hợp ánh sáng. 5 tháng đầu năm 2013, sản lượng cá ngừ đại dương của Việt Nam khai thác hơn 10.000 tấn, giá trị xuất khẩu khoảng 270 triệu USD. Riêng tỉnh Khánh Hòa có 130 tàu khai thác cá ngừ đại dương, sản lượng hơn 2.000 tấn.

Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!