Giải pháp thích ứng thời thế

Chưa có đánh giá về bài viết

Biến đổi khí hậu đang ngày một tăng, hậu quả để lại nặng nề hơn. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm được sự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Tìm giải pháp để thích ứng với điều này đang rất cần thiết của ngành thủy sản.

Những năm gần đây tỉnh Bạc Liêu đang khuyến khích nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp phát triển mô hình nuôi tôm siêu thâm canh nhằm ứng phó với thời tiết cực đoan, bệnh dịch, tiết kiệm chi phí đầu vào. Đồng thời, còn hạn chế rủi ro và đã bắt đầu hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm, giúp người nuôi an tâm mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng an toàn, ổn định và bền vững. Điển hình như mô hình “Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao, thích nghi với biến đổi khí hậu tại Bạc Liêu”, thuộc Chương trình “Thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL – MCRP” do Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ.

Ảnh minh họa (Skretting Việt Nam)

Là một hộ dân tham gia mô hình, anh Phạm Tiến Thành (ấp Thành Công, xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) thực hiện khá thành công. Anh Thành cho biết, vụ tôm năm nay anh thả nuôi 3 hồ nổi, bình quân 500 m2/hồ vừa thu hoạch xong vụ tôm thứ 3 trong năm lãi khoảng 120 triệu đồng; tuy mức lãi này không cao do phụ thuộc vào giá thị trường tôm đang giảm mạnh. Anh Thành thả nuôi tôm 3 giai đoạn, mật độ trung bình 150 con/m2, sau 70 ngày nuôi tôm đạt trọng lượng 52 con/kg, giá tôm 98.000 đồng/kg, giảm 25.000 – 30.000 đồng/kg so tháng trước. Anh Thành chia sẻ: “Từ khi tham gia “Mô hình nuôi tôm công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu tại Bạc Liêu” tôi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng trên hồ lót bạt. Mô hình này tuy chi phí đầu tư ban đầu lớn nhưng lợi thế là ít rủi ro và năng suất tôm nuôi rất cao. Cùng đó, tôm nuôi đạt tỷ lệ sống từ 70 – 90%; hạn chế được dịch bệnh xâm nhập vào khu nuôi do ít phải bơm nước mới trực tiếp từ sông, rạch vào cũng như bơm xả ra môi trường bên ngoài góp phần bảo vệ môi trường”.

Cũng theo anh Thành, từ đầu năm đến nay anh nuôi tổng cộng được 3 vụ. Vụ đầu tiên nhờ thu hoạch lúc tôm có giá nên lợi nhuận gần 400 triệu, đến vụ thứ hai thì bị lỗ do ngay thời điểm thời tiết chuyển từ mùa nắng nóng sang mùa mưa làm tôm bị sốc. Đến vụ thứ ba này, dù độ mặn cũng còn gần 30‰, nhưng tốc độ tăng trưởng tôm nuôi vẫn khá tốt, nên dù thu hoạch sớm anh vẫn có lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn thiết kế hệ thống biogas và dành ra 1 ao 2.000 m2 thả 5.000 con cá rô phi dòng GIFT để xử lý nước thải. Chỉ sau 6 tháng cá đạt trọng lượng khoảng 700 g đến 1 kg, giá bán từ 25.000 – 35.000 đồng/kg cũng thu về cả trăm triệu đồng.

Ngọc Trinh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!