GlobalG.A.P công bố các tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản mới

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Tiêu chuẩn chứng nhận bền vững quốc tế GlobalG.A.P mới đây đã công bố các tiêu chuẩn mới về thực hành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tốt, với trọng tâm là tích hợp các tiến bộ công nghệ mới.

GlobalG.A.P đã đưa ra tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản đầu tiên vào năm 2004, tập trung vào cá hồi. Năm 2011, tổ chức này đã chuyển sang một tiêu chuẩn có thể áp dụng cho bất kỳ hệ thống sản xuất cá nào và tiêu chuẩn mới nhất hiện nay đã tiếp tục phát triển trên hệ thống đó.

Ông Remko Oosterveld, Chuyên gia nuôi trồng thủy sản của GlobalG.A.P, cho biết tại Hội chợ Thủy sản Toàn cầu 2022 ở Barcelona, ​​Tây Ban Nha, bộ tiêu chuẩn mới này có mục tiêu hướng tới tương lai hơn trong cách thức chứng nhận bền vững áp dụng cho nuôi trồng thủy sản và hơn thế nữa .

Ông nói thêm, tiêu chuẩn này là kết quả của hơn 2 năm làm việc, bao gồm nhiều cuộc họp với các bên liên quan và tham vấn cộng đồng với 485 ý kiến ​​mà tổ chức đã xem xét.

Một trong những bổ sung trong tiêu chuẩn mới của GlobalG.A.P về phúc lợi động vật là không cắt bỏ mắt tôm từ năm 2024. Ảnh: Global Seafood Alliance

Trong GlobalG.A.P, nuôi trồng thủy sản là một hoạt động nhỏ nhưng vô cùng quan trọng. Tổ chức đã chứng nhận cho hơn 200.000 công ty nông nghiệp ở 140 quốc gia, trong đó có 350 nhà sản xuất nuôi trồng thủy sản trên phạm vi toàn cầu, chiếm 2,5 triệu tấn sản lượng thủy sản ở 34 quốc gia.

Phần lớn của tiêu chuẩn mới được công bố chính thức vào ngày 26/4/2022 và được gọi là Bảo đảm nông trại tích hợp (IFA) v6: IFA v6 Smart và IFA v6 GFS. Theo GlobalG.A.P, phiên bản Smart phù hợp với hầu hết các nhà sản xuất,  trong khi tiêu chuẩn GFS dành cho các nhà sản xuất cần được Tổ chức Sáng kiến ​​An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI) công nhận.

“Chúng tôi được GFSI công nhận và GlobalG.A.P là chứng nhận nuôi trồng thủy sản duy nhất ở cấp trang trại được GFSI công nhận”, ông Oosterveld chia sẻ.

Ông cho biết thêm, phản hồi của các bên liên quan là lý do chính khiến chứng nhận hiện có hai cấp độ tiêu chuẩn vì không phải tất cả các nhà sản xuất đều cần phải đáp ứng các quy tắc và quy định của GFSI.

Mục tiêu trọng tâm của tiêu chuẩn mới là phát triển cách thức hoạt động nuôi trồng thủy sản thể hiện sự tuân thủ các tiêu chuẩn chứng nhận bằng cách sử dụng nhiều công cụ hiện đại hiện có sẵn cho người nuôi.

“Rõ ràng là nông dân có sẵn nhiều công cụ kỹ thuật số hơn. Họ có điện thoại thông minh, cảm biến ghi lại liên tục như chất lượng nước và quy trình sản xuất tốt hơn”, ông nói. 

Với những phương pháp thể hiện sự tuân thủ mới đó, GlobalG.A.P đã thay đổi tiêu chuẩn của mình để tập trung hơn vào các nguyên tắc và tiêu chí. Ông Oosterveld cho biết, mục tiêu là có một cách tiếp cận dựa trên kết quả thay vì tìm kiếm các biện pháp cụ thể như trong tiêu chuẩn cũ. 

Một bổ sung quan trọng khác là các tiêu chuẩn bổ sung về phúc lợi động vật. Các tiêu chuẩn GlobalG.A.P đã có các hướng dẫn về phúc lợi động vật, ông Oosterveld cho biết khoảng 20% ​​các điểm kiểm soát liên quan đến sức khỏe và phúc lợi động vật. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn mới đã nâng cao mức độ đảm bảo cần thiết của các điểm kiểm soát, có nghĩa là tiêu chuẩn này khắt khe hơn.

Theo đó, từ năm 2024 sẽ có lệnh cấm đối với việc cắt bỏ đuôi mắt tôm. Đây là một phương pháp được thực hành rộng rãi nhằm khuyến khích sản xuất nhiều trứng hơn ở tôm cái bằng cách loại bỏ một hoặc cả hai mắt tôm nhưng hoàn toàn không cần thiết.

Việc phát triển tiêu chuẩn mới của GlobalG.A.P được thực hiện bởi mong muốn cốt lõi là tạo ra các công cụ cho các nhà khai thác, nuôi trồng thủy sản cải thiện quy trình của mình.

Tuệ Nhi

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!