T5, 08/10/2020 12:33

Gỡ khó bảo hiểm tàu cá cho ngư dân

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo nhiều ngư dân, sau khi các chính sách hỗ trợ bảo hiểm tàu cá hết hiệu lực, các doanh nghiệp bảo hiểm đã không còn mặn mà bán bảo hiểm cho tàu cá. Điều này đã khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn khi sản xuất trên biển.

Tại Bình Định, toàn tỉnh hiện có 57 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67; trong đó có 26 tàu còn hạn bảo hiểm tàu cá, 31 tàu đã hết hạn bảo hiểm nhưng không mua lại được do các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tàu cá tạm dừng bán bảo hiểm cho loại tàu này. Đại diện Sở NN&PTNT Bình Định cho biết, “tàu 67” là tài sản hình thành từ vốn vay của ngân hàng nên các ngân hàng không cho các tàu ra khơi khi hết hạn bảo hiểm, bởi nếu xảy ra rủi ro thì ngân hàng không thể thu hồi được nợ vay. Trong khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm lại không chịu bán bảo hiểm cho tàu vỏ thép nên hiện chủ “tàu 67” đang gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh Bình Định vẫn đang gặp gỡ, vận động các doanh nghiệp bán bảo hiểm cho ngư dân để họ đủ điều kiện ra khơi.

Tình trạng ngư dân gặp khó khăn với bảo hiểm tàu cá cũng khá phổ biến tại tỉnh Quảng Nam. Được biết, từ tháng 5/2020 đến nay, Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam – đơn vị triển khai chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh có thông báo dừng bán bảo hiểm cho tàu cá. Một chính sách hỗ trợ chi phí giúp ngư dân mua bảo hiểm tàu cá là Quyết định 48 của Chính phủ, nhưng nhiều chủ “tàu 67” chưa tiếp cận được. Với bảo hiểm thương mại của Bảo Việt chi nhánh Quảng Nam, ngư dân không được bồi thường khi sự cố xảy ra với tàu cá lúc neo đậu trong bờ. Ngư dân chỉ được bồi thường khi tàu cá bị sự cố lúc đang sản xuất trên biển; tuy nhiên lại loại trừ trường hợp tàu bị cháy, nổ. Nhiều chủ tàu cho rằng, điều này là không hợp lý.

Nhằm gỡ khó cho ngư dân, mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời các kiến nghị về chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67; theo đó, đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm sửa đổi một số nội dung không phù hợp với quy định về chính sách bảo hiểm tại Nghị định 67 (đối tượng được hỗ trợ và rủi ro được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm). Do vậy, trong khi Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi, bổ sung chưa được điều chỉnh, Bộ Tài chính chưa có cơ sở pháp lý để chấp thuận đề xuất sửa đổi quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm theo đề nghị của các doanh nghiệp bảo hiểm. Ngư dân có thể lựa chọn chính sách hỗ trợ tại Nghị định 67 hoặc chính sách bảo hiểm khác như chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm theo Quyết định 48. Về khó khăn của các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính đã thu thập và có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 để đảm bảo chính sách bảo hiểm tiếp tục được triển khai hiệu quả.

UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng vừa ban hành Quyết định số 2396/QĐ-UBND về bổ sung kinh phí có mục tiêu hỗ trợ tàu cá vùng ven biển của tỉnh (đợt 1/2020) thực hiện theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trích ngân sách tỉnh số tiền 1.971.626.700 đồng từ nguồn bổ sung có mục tiêu của Trung ương, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc để hỗ trợ mua bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho tàu cá và ngư dân tham gia khai thác thủy sản ở vùng biển xa.

Ngọc Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!