T2, 12/05/2025 02:51

Grobest Việt Nam: Cam kết mang lại giá trị bền vững cho ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hơn 20 năm gắn bó với thị trường Việt Nam, Grobest luôn tự hào là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu dinh dưỡng thủy sản. Công ty không ngừng đổi mới nghiên cứu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản xuất hiệu quả và bền vững.

Bên lề sự kiện Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 6 (VietShrimp 2025), ông Phạm Hải Văn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Grobest Industrial (Việt Nam) đã có những chia sẻ với Thủy sản Việt Nam về câu chuyện thương hiệu, nỗ lực của doanh nghiệp nhằm mang lại giá trị bền vững cho ngành thủy sản.

TSVN: Hơn 20 năm đồng hành cùng thị trường Việt Nam, đến nay, Grobest được biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu về dinh dưỡng thủy sản. Ông có thể chia sẻ về những thành tựu nổi bật mà công ty đã đạt được?

Ông Phạm Hải Văn: Tập đoàn Grobest được thành lập vào năm 1974 và có văn phòng trụ sở đặt tại Đài Loan, Grobest đã phát triển hoạt động sang các nước như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippine, Malaysia. Grobest Việt Nam được thành lập vào năm 2000, là thành viên thứ 13 của Tập đoàn. Trong suốt hơn 20 năm qua, Grobest Việt Nam luôn luôn tự hào là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu dinh dưỡng cho thức ăn thủy sản, đặc biệt tại Việt Nam, đối tượng nghiên cứu chính là tôm.

Những năm qua, Grobest luôn luôn đổi mới, sáng tạo nhằm tạo ra các sản phẩm dẫn đầu thị trường, phục vụ đa dạng nhu cầu và giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất như thức ăn chức năng tăng cường miễn dịch hàng ngày, tăng cường miễn dịch chuyên biệt và tăng trọng.

Điển hình như thời điểm trước đây, khi ở Việt Nam, tôm sú đang là đối tượng nuôi chủ yếu thì Grobest đã nghiên cứu những giải pháp dinh dưỡng tối ưu cho tôm sú. Trong đó, The Best là sản phẩm thuộc dòng thức ăn chức năng tăng trọng nổi tiếng của công ty. Suốt hơn hai thập kỷ qua, sản phẩm vẫn được đông đảo bà con nuôi tôm trên cả nước tin chọn nhờ khả năng “Rút ngắn thời gian, tăng size nhanh”.

Không dừng lại ở đó, đồng hành cùng với từng giai đoạn phát triển của ngành tôm, Grobest Việt Nam đã giới thiệu những dòng thức ăn giúp tăng cường hệ miễn dịch, sức khỏe gan ruột cho tôm. Đặc biệt là vào thời điểm nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh gặp thách thức lớn về dịch bệnh, Grobest đã cung cấp giải pháp dinh dưỡng tăng cường miễn dịch tôm, để tôm chống chọi tốt hơn với dịch bệnh, nhất là những bệnh phổ biến trên tôm như: Hội chứng chết sớm (EMS), bệnh phân trắng, đốm trắng, EHP.

Và gần đây nhất, một giải pháp đột phá về dinh dưỡng đã được Cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản và Kiểm ngư – Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công nhận là tiến bộ kỹ thuật với tên gọi Advance Pro. Với độ đạm tối ưu 36%, Advance Pro đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của tôm trong từng giai đoạn. Hiệu quả sản phẩm được chứng minh thực tế khi có hàng nghìn hộ nuôi áp dụng thành công. Advance Pro cũng được Tập đoàn Grobest kiểm nghiệm kỹ lưỡng và thử nghiệm tại các cơ sở uy tín như Viện Công nghệ châu Á (AIT), Thái Lan và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II (RIA 2), Việt Nam. Với sự đảm bảo chất lượng từ các viện nghiên cứu uy tín, Advance Pro mang đến cho tôm nuôi chế độ dinh dưỡng cân đối, giúp tôm phát triển khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh và đạt năng suất cao. Sản phẩm sử dụng lượng đạm vừa đủ, đảm bảo đạt năng suất cao, giảm chi phí, giá thành sản xuất đồng thời giảm ô nhiễm môi trường nuôi. 

TSVN: Hiện, giá thành sản xuất tôm của nước ta cao hơn nhiều nước trong khu vực. Vậy Grobest đã có những chiến lược nào giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất, thưa ông? 

Ông Phạm Hải Văn: Những năm qua, Grobest đã thực hiện nhiều nghiên cứu và nhận thấy rằng, giá thành sản xuất thức ăn của Việt Nam không cao hơn nhiều so với các nước sản xuất tôm khác. Một trong những nguyên nhân đẩy giá thành sản xuất cao, khiến con tôm Việt Nam thất thế trước các đối thủ đó là tỉ lệ nuôi tôm thành công ở nước ta rất thấp, bình quân chỉ dưới 40%. Con số này thấp hơn nhiều so với một số nước như Ecuador trên 90%, Ấn Độ hơn 60%, Thái Lan (55%), thậm chí, tỉ lệ nuôi của Thái Lan có thời điểm ở mức trên 80%.

Nguyên nhân thứ hai là do người nuôi tôm Việt Nam quá lạm dụng hóa chất xử lý nước và kháng sinh phòng chống bệnh cho tôm trong quá trình nuôi. Việc sử dụng quá nhiều hóa chất không chỉ làm tăng chi phí mà còn ảnh hưởng đến chất lượng tôm và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để giúp người nuôi gỡ “nút thắt” này, Grobest đã cung cấp nhiều giải pháp về dinh dưỡng cũng như nghiên cứu và nhân rộng các mô hình với ưu điểm “Năng suất cao – Chi phí thấp”. Kết hợp hai yếu tố này sẽ giúp người nuôi có thể hạ giá thành sản xuất, đồng thời giảm tác động lên môi trường, tăng tính bền vững, lâu dài. Chỉ có phát triển theo hướng bền vững, ngành tôm Việt Nam mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước sản xuất tôm khác trên thế giới.

TSVN: Theo ông, đâu là rào cản lớn nhất cho sự phát triển bền vững ngành tôm? 

Ông Phạm Hải Văn: Ngành tôm đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt dẫn đến dịch bệnh ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần có sự chuyển dịch theo hướng phát triển bền vững. Thay đổi tư duy và quy trình nuôi là những bước quan trọng để ngành tôm có thể trụ vững và phát triển. Người nuôi cần thay đổi tư duy nhận thức rằng mục tiêu không chỉ là sản xuất nhiều mà còn phải đảm bảo bền vững lâu dài. Việc chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy bền vững, áp dụng khoa học và công nghệ, và thay đổi quy trình nuôi không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành. 

Tuy nhiên, nuôi tôm của Việt Nam hiện vẫn còn mang tính manh mún và nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; nên để thay đổi và chuẩn hóa quy trình, kỹ thuật nuôi là điều không hề dễ dàng. Đây cũng chính là rào cản lớn nhất của ngành tôm Việt Nam.

Trong khi đó, nuôi tôm lại là thế mạnh của các nước xung quanh như Ấn Độ và Ecuador. Điển hình như tại Ecuador, nếu như cách đây 10 năm, ít nhà sản xuất và xuất khẩu tôm nào của Việt Nam nhắc đến Ecuador như là một đối thủ tiềm năng thì nay Ecuador đã là nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới và còn là đối thủ lớn nhất của ngành tôm Việt Nam trong những năm sắp tới. Quốc gia này hiện chỉ có 1 số lượng rất nhỏ trang trại, nhưng các trang trại thường có quy mô rất lớn, mỗi trại nuôi có diện tích tối thiểu vài chục ha, lên tới vài trăm ha, hay cả nghìn ha. Ngược lại, Việt Nam có đến hàng chục nghìn hộ nuôi nhỏ lẻ, với số lượng người nuôi nhiều, phạm vi rộng, gây khó khăn cho quá trình đồng bộ.

TSVN: Công ty có kế hoạch gì để tăng cường sự bền vững trong sản xuất và bảo vệ môi trường trong ngành thủy sản?

Ông Phạm Hải Văn: Để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững, đòi hỏi cần thúc đẩy quá trình hợp nhất mạnh mẽ, tăng quy mô nuôi để chuẩn hóa quy trình, trong đó ứng dụng các chương trình dinh dưỡng, công nghệ xử lý môi trường, giảm tác động môi trường.

Grobest đã và đang đi trên con đường này, để từng bước giúp người nuôi vượt qua những thách thức hiện hữu, cũng như góp phần phát triển ngành tôm bền vững. Công ty đã không ngừng đưa ra những giải pháp chiến lược về công nghệ, dinh dưỡng lẫn quản lý mô hình cho người nuôi tôm Việt Nam. Từ năm 2021, Grobest đã nghiên cứu và cho ra đời mô hình GROFARM, hướng đến mục tiêu tăng tỉ lệ nuôi thành công và tối ưu hóa lợi nhuận. Từ thành quả tỉ lệ về đích trên 85%, các chuyên gia Grobest tiếp tục nâng cấp lên mô hình GROFARM PRO trong năm 2023, tạo nên sự khác biệt nhờ các yếu tố như Chương trình dinh dưỡng, Hiệu quả và Bền vững.

Ngoài ra, Grobest liên tục nghiên cứu và phát triển hệ sinh thái dinh dưỡng cho tôm tối ưu trong cả thức ăn hàng ngày, thức ăn chức năng. Đơn cử như bộ đôi Advance và Advance Pro với 36% đạm tiên phong trên thị trường, giúp hộ nuôi giảm bớt chi phí xử lý môi trường nước, từ đó giảm giá thành sản xuất trên 1 kg tôm, mang về lợi nhuận tối đa cho vụ nuôi.

Những giải pháp này thực sự tập trung vào việc giảm chi phí, tăng tỉ lệ sống, tăng tỉ lệ thành công, giảm rác thải, giảm ô nhiễm môi trường. Tương lai, Grobest cam kết tiếp tục đồng hành cùng người nuôi tôm trong việc thúc đẩy các giải pháp xanh, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm theo hướng hiện đại và bền vững.

TSVN: Grobest là đơn vị nhiều năm liền tham gia hội chợ VietShrimp. Ông có đánh giá như thế nào về VietShrimp 2025?

Ông Phạm Hải Văn: Chủ đề “Xanh hóa vùng nuôi” của VietShrimp 2025 không chỉ phản ánh xu hướng tất yếu, mà còn là tiếng nói chung của toàn ngành trong hành trình chuyển đổi. Đây là vấn đề đang nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. 

Tham gia VietShrimp 2025, Grobest không chỉ đồng hành với vai trò nhà tài trợ mà còn là đơn vị tiên phong giới thiệu các giải pháp thực tiễn, hiện thực hóa chiến lược này bằng loạt hành động cụ thể, bắt đầu từ những cải tiến trong công nghệ dinh dưỡng đến việc giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ người nuôi tôm cải thiện hiệu quả canh tác và giảm thiểu tác động môi trường.

Về mặt tổ chức, VietShrimp 2025 có quy mô lớn, thiết kế ấn tượng tạo không gian triển lãm đẹp mắt, bố trí hợp lý về lối đi. Triển lãm hội tụ các sản phẩm đa dạng từ con giống, thức ăn, máy móc trang thiết bị, chế phẩm sinh học, thú y thủy sản,… 

Trân trọng cảm ơn ông!

Kim Tiến

(Thực hiện)

Ông Phạm Hải Văn nhấn mạnh: “Tại Grobest, chúng tôi cam kết đồng hành cùng các đối tác và người nuôi tôm để phát triển các giải pháp bền vững, bằng việc cung cấp sản phẩm thức ăn chức năng có chất phụ gia độc quyền, giúp phòng bệnh hiệu quả mà không cần sử dụng kháng sinh, thuốc hay hóa chất, mang lại giá trị lâu dài và an toàn cho ngành thủy sản Việt Nam”.

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!