Hà Tĩnh: Thành công với rô phi Đài Loan ao đất

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, sau khảo sát, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh chọn gia đình anh Nguyễn Xuân Mạnh (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ) triển khai mô hình trình diễn “Nuôi cá rô phi Đài Loan thương phẩm trong ao đất”; hiệu quả đã được khẳng định.

Hiệu quả từ cách làm hay

Với quy mô 0,2 ha, mật độ thả 3 con/m2, sau 7 tháng nuôi tỷ lệ sống đạt 80%, cỡ cá thu hoạch đạt > 0,4 kg/con, năng suất đạt 9,6 tấn/ha/vụ, với giá bán bình quân 33.000 đồng/kg thì thu lợi nhuận gần 55 triệu đồng/ha/vụ, đạt các chỉ tiêu, yêu cầu đề ra. So với thả nuôi cá truyền thống (trắm, trôi, mè, chép) thì lợi nhuận thu được 20 – 30 triệu đồng/vụ/năm. Như vậy, mô hình đã giúp gia đình Nguyễn Xuân Mạnh thu nhập 25 – 35 triệu đồng/ha/vụ.

Nuôi cá diêu hồng trong ao đất cho hiệu quả cao – Ảnh: CTV

Trong buổi nghiệm thu, người dân địa phương đều thấy đây là mô hình hiệu quả thiết thực, muốn tham gia học hỏi; đồng thời mong muốn các mô hình tiếp tục được triển khai, nhân rộng trong toàn xã. Từ đó, sẽ thu hút đông đảo người dân tham gia, góp phần giải quyết được vấn đề thực phẩm cho miền núi, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.

 

Phát triển hơn nữa

Năm 2013 mô hình “Nuôi cá diêu hồng trong ao đất” tại hộ gia đình ông Trần Văn Hán (xóm Minh Lạng, xã Đức Lạng) đã được thực hiện thành công. Với diện tích ao đất 3.000 m2, mật độ thả 3 con/m2, cho ăn thức ăn công nghiệp và bổ sung rau, bèo… có sẵn tại chỗ. Sau 5 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 70%, lợi nhuận thu được 48.480.000 đồng. Cá được tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng, khách sạn với giá 50.000 đồng/kg đối với cỡ cá 04 – 0,5 kg/con, 75 – 85.000 đồng/kg đối với cá 0,7 – 1 kg/con.

Thành công từ mô hình nuôi cá diêu hồng đã khẳng định tiềm năng phát triển thủy sản tại xã Đức Lạng. Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục đưa cá rô phi Đài Loan đơn tính thử nghiệm tại xã.

Ông Nguyễn Đình Chiểu, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Lạng cho biết, nguồn cá tiêu thụ tại chợ Bộng Đức Thọ chủ yếu nhập từ TP. Vinh và các huyện trong tỉnh. Các mô hình được triển khai thì sản phẩm cũng chỉ mới đủ cung cấp cho thị trường trong huyện, dễ tiêu thụ. Mặt khác, cá nuôi tại Đức Lạng được người dân trong xã ưa chuộng, vì ăn ngon hơn cá nơi khác nhập về”. Cá đạt cỡ 0,5 kg/con trở lên thì giá bán 45.000 – 50.000 đồng/kg. Đây là điều thuận lợi để tiếp tục phát triển nghề nuôi thủy sản tại xã miền núi này. Xã đang tích cực cùng người dân xây dựng kế hoạch phát triển nuôi thủy sản những năm tiếp theo.

Theo ông Bùi Khắc Phong, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Đức Thọ, xã Đức Lạng có hơn 50 ha mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản nhưng chưa sử dụng hết, diện tích đã nuôi cũng chưa phát huy tốt. Những năm tới, Đức Lạng sẽ tiếp tục phát triển nuôi thủy sản; đặc biệt, chú trọng phong trào nuôi cá lồng bè tại các hồ, đập lớn của xã. Đây là hình thức nuôi có hiệu quả, hạn chế thiệt hại do lũ lụt ở các vùng có địa hình đồi núi như xã Đức Lạng. Và tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản nhằm chuyển đổi một số diện tích hoang hóa của xã hiện nay, nhằm tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định, bền vững cho nông dân. Đây là một bước để xã Đức Lạng sớm hoàn thành lộ trình xây dựng nông thôn mới.

>> Ông Nguyễn Hữu Cầm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh: Trung tâm sẽ tiếp tục khảo sát để triển khai thêm nhiều mô hình trong nông, lâm nghiệp hiệu quả; nhằm giải quyết nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ cho dân trong xã, về lâu dài sẽ tạo nguồn sản phẩm hàng hóa cho tỉnh trên mảnh đất nhiều tiềm năng này. 

Kim Thịnh (Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!