Sản phẩm “Hệ thống hỗ trợ ao nuôi thủy sản thông minh” của em Châu Thế Khanh và Lý Minh Mẫn, học sinh Trường THCS Võ Thị Sáu, huyện Châu Thành A, khá độc đáo vì tích hợp đa chức năng. Sản phẩm đã rất xứng đáng đoạt giải nhì Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Hậu Giang lần thứ VI năm 2019.
Châu Thế Khanh (bên phải) thuyết trình các chức năng của sản phẩm tại cuộc thi.
Bằng những vật liệu thông thường, hai em đã chế tạo mô hình thuyền thả thính từ ống nhựa kết hợp các chức năng cho cá ăn tự động, sản phẩm đã giải quyết được công việc hàng ngày của một người lao động ở ao nuôi thủy sản như: cho thủy sản ăn, phun thuốc trị bệnh, đề phòng mất trộm, theo dõi môi trường nước. Em Châu Thế Khanh chia sẻ: “Tất cả các công việc này nếu một người lao động làm sẽ mất nhiều thời gian, tốn nhiều công sức; nhất là phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc trị bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Sản phẩm của em sẽ đáp ứng những việc làm trên”.
Cấu tạo của hệ thống gồm 2 mạch Arduino nano, mạch giảm áp, động cơ DC 4 cái; rơ le; 1 sim 800A; 1 tấm pin năng lượng mặt trời; 1 bình ắc quy; đèn led; máy bơm min 12v; 1 van phun thuốc; ống nhựa PVC. Châu Thế Khanh giới thiệu: Sản phẩm tạo ra hệ thống cho cá ăn được điều khiển từ xa bằng sóng RF kết hợp động cơ giảm tốc DC; hệ thống phun thuốc trừ bệnh từ xa điều khiển bằng sóng RF kết hợp máy bơm nén DC. Sản phẩm được thiết kế thêm hệ thống đèn thu hút côn trùng làm thức ăn cho thủy sản; hệ thống còn gắn cảm biến báo chống trộm đột nhập qua điện thoại; hệ thống quan trắc môi trường nước như nhiệt độ, độ ẩm, pH. Các chỉ số này nếu thay đổi theo hướng bất lợi, thiết bị sẽ nhắn tin qua điện thoại báo ngay cho chủ ao nuôi thủy sản. Sản phẩm tích hợp từ các nguyên liệu dễ tìm, giá thành thấp, tổng chi phí cho sản phẩm chỉ 1.550.000 đồng, tuổi thọ sử dụng trên 5 năm. Kích thước có thể áp dụng cho ao nuôi quy mô trên 1.000m2.
Ông Nguyễn Minh Tường, giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, người hướng dẫn hai em thực hiện sản phẩm, thông tin: Hiện nay, trên thị trường có sẵn thiết bị cho cá ăn tự động với giá thành cao và còn nhiều hạn chế như phải đặt một vị trí cố định. Còn các thiết bị phun thuốc từ xa, bắt côn trùng và báo chống trộm cho ao nuôi thủy sản thì trên thị trường vẫn chưa có. Chính vì vậy, để có một hệ thống hỗ trợ người lao động thì việc tích hợp thiết bị này là rất cần thiết.
Sản phẩm đã được 3 thầy trò kiểm chứng hiệu quả qua quá trình thực nghiệm trên ao nuôi thủy sản. Sản phẩm có thể cho thủy sản ăn thức ăn dạng viên với số lượng 20kg trong ao nuôi 100m2, 60kg trong diện tích 300m2 với mức tiêu tốn thời gian lần lượt là 20 phút và 40 phút. Về thời gian phun thuốc cũng tương đương nhưng với lượng thuốc lần lượt là 60 lít và 120 phút. Chuông báo động chống trộm và các chỉ số nhiệt độ pH đều thực nghiệm thành công. Em Châu Thế Khanh đã so sánh hiệu suất sản phẩm so với một người lao động thì rút ngắn hơn được 10 phút. Hơn nữa, sản phẩm cũng giúp người lao động hạn chế tác hại do không phải thường xuyên tiếp xúc với thuốc.
Đa số các giám khảo trong Tiểu ban chấm giải Cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh đều đánh giá cao sản phẩm. Bởi sản phẩm đã minh chứng được tất cả ứng dụng, mục tiêu đặt ra như báo trộm qua điện thoại, phát sáng đèn thu hút côn trùng làm thức ăn cho cá… Chính vì vậy, sản phẩm đã xuất sắc nhận giải nhì tại cuộc thi và được vinh dự gửi dự thi cuộc thi cấp quốc gia của năm 2019.
Thầy giáo Nguyễn Minh Tường cho hay: “Sản phẩm đã thực nghiệm trên ao nuôi thành công. Tuy nhiên, để sản phẩm tiếp tục nâng cao tính hiệu quả, tôi và các em sẽ tích hợp thêm một số cảm biến quan trắc môi trường nước như lượng khí oxy, độ đục của nước và lắp thêm mạch ESP8266 để nâng cấp hệ thống thành hệ thống IoT giao tiếp qua sóng wifi. Ngoài ra, thầy và trò sẽ lắp thêm các mạch điều khiển thiết bị như máy bơm nước và máy sục khí để tăng độ tự động hóa xử lý khi môi trường nước thay đổi theo hướng bất lợi cho thủy sản.
Bài, ảnh: Trúc Linh
Theo Báo Hậu Giang