Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 12 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôi nuôi tôm thẻ chân trắng, ao 3.200 m2, mật độ 60 con/m2. Đến nay đã được hơn 1 tháng, tôm phát triển bình thường nhưng màu nước hơi xấu và nhiều con tôm có dấu hiệu bị rong nhớt. Vậy cần khắc phục như thế nào? (Hoàng Văn Trọng – TP Tuy Hòa, Phú Yên)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Nếu nước trong ao tôm của anh có màu xấu (xanh đậm hoặc nâu đen) và tôm có dấu hiệu bị rong nhớt thì anh có thể khắc phục như sau:

Trước tiên cần phải xem lại lượng thức ăn cho tôm ăn có bị dư thừa không. Nước xấu một phần là do cho ăn quá nhiều, thức ăn thừa gây ra hiện tượng phì dưỡng làm cho tảo phát triển mạnh, nước ao nuôi bị ô nhiễm và làm môi trường thuận lợi cho một số loại nấm, ký sinh trùng phát triển. Đây có thể là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh rong nhớt cho tôm. Vì vậy, cần phải điều chỉnh lại lượng thức ăn cho phù hợp. Thay 20 – 30% nước trong ao để giảm tảo, giảm mật độ vi sinh vật có hại. Tiến hành sát trùng nước bằng ôxy già hoặc formalin (liều lượng theo chỉ dẫn) để tiêu diệt vi sinh vật, nấm trong ao.

Sau khi cấp đủ nước lại cho ao, sử dụng chế phẩm sinh học EMC cấy xuống ao để khôi phục hệ vi sinh vật có lợi.

 

Hỏi: Tôi đang chuẩn bị nuôi cá chình lồng trên sông Hồng. Xin hỏi nên chọn vị trí nào để đặt lồng và cách chọn cá giống? (Phạm Văn Quân – Ba Vì, Hà Nội)

Trả lời:

Anh nên chọn vị trí đặt lồng nơi nước chảy thẳng, không quẩn, lưu tốc dòng chảy 0,3 – 0,5 m/s; pH 7,5 – 8; ôxy hòa tan > 4 mg/l; độ trong 30 – 40 cm; nhiệt độ thích hợp 25 – 300C. Đáy nơi đặt lồng là cát sỏi là tốt nhất, đáy lồng cách đáy sông > 1 m. Lồng bè cần được neo, buộc chắc chắn.

Chọn giống cá khỏe mạnh, da bóng, màu sắc tự nhiên, không bị xây sát, dị hình, kích cỡ đồng đều, cỡ 5 – 10 con/kg là thích hợp nhất. Trước khi thả giống cần tắm cho cá bằng muối ăn (pha 300 g muối/10 lít nước), thả cá vào tắm 10 – 15 phút.

Lưu ý: Cá chình không chịu được lạnh nên cần chú ý mua giống to để thả nuôi và tính thời gian thu hoạch cho phù hợp, vì miền Bắc bị ảnh hưởng bởi mùa đông, nhiệt độ thấp khiến cá chậm lớn hoặc bị chết rét.

 

Hỏi: Công ty chúng tôi muốn xuất khẩu thủy sản vào các thị trường Đài Loan, Singapore phải cần những điều kiện gì? (Chị Lương Thúy Hiển – Quận 7, TP Hồ Chí Minh)

Trả lời:

Để xuất khẩu thủy sản sang các thị trường nói chung, Singapore và Đài Loan nói riêng, cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản phải được Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT.

Cụ thể, tại thị trường Singapore:

– Đối với thịt ếch: Cơ quan thẩm quyền Singgapore yêu cầu ếch nuôi phải thuộc đối tượng giám sát trong chương trình giám sát quốc gia. Hiện nay, NAFIQAD đang thảo luận với cơ quan thẩm quyền Singapore về nội dung của chương trình.

– Ngoài đối tượng thịt ếch nêu trên, NAFIQAD chưa nhận văn bản quy định của cơ quan thẩm quyền Singapore về điều kiện đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào nước này. 

– Để biết cụ thể các quy định về nhập khẩu thủy sản vào Singapore , chị có thể liên hệ với nhà nhập khẩu hoặc tìm hiểu thông tin tại website của Cơ quan thẩm quyền Singapore http://www.ava.gov.sg/.

Tại thị trường Đài Loan:

Cơ quan thẩm quyền Đài Loan yêu cầu các lô hàng thủy sản sống (giáp xác và nhuyễn thể, cá, phôi và trứng cá đã thụ tinh), đồ hộp xuất khẩu vào Đài Loan phải gửi kèm Giấy chứng nhận (Chứng thư) của phía Việt Nam (Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản – NAFIQAD) cấp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần thực hiện đăng ký kiểm tra cấp Chứng thư theo quy định. Đối với các sản phẩm khác, NAFIQAD chưa nhận được văn bản quy định của cơ quan thẩm quyền Đài Loan. Lưu ý, Thông tư 55/2011/TT-BNNPTNT đã được thay thế bằng Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT, có hiệu lực từ ngày 26/12/2013. 

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!