T2, 06/07/2020 11:20

Khi cá tra bỏ lửng thị trường nội

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện có khoảng 236 đầu mối tham gia xuất khẩu cá tra, thị trường tiêu thụ được mở rộng ra 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Song, công tác xúc tiến thương mại hiện còn nhiều yếu kém, đang có sự tham gia chồng chéo giữa các đơn vị.

Thích xuất khẩu dù bấp bênh

Theo thống kê sơ bộ của một số đơn vị trực thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các sản phẩm chế biến từ cá tra hiện còn khá đơn điệu. Có đến khoảng 90% sản phẩm xuất khẩu dưới dạng fillet đông lạnh, chỉ khoảng 10% là sản phẩm tạo được giá trị gia tăng khá. Nhưng, ngay cả nhóm sản phẩm được cho là chế biến sâu cũng chỉ có hình thức khác đi một chút so với cá fillet.

Thực tế, có nhiều lý do khiến DN Việt Nam thích xuất khẩu hơn là chế biến sâu. Theo ông Nguyễn Phú Sơn, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn kinh tế, Đại học Cần Thơ, do hiện nay nhiều DN vẫn làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì” nên chọn phương án lâu nay thường làm là xuất khẩu, nhanh gọn thu hồi vốn, mà quên mất chú tâm tới phát triển thị trường nội địa trong nước. Chẳng hạn như năm 2013, sản lượng cá tra chế biến đạt 734.536 tấn, trong đó xuất khẩu đã tới 704.459 tấn.

 

Chế biến cá tra trong KCN Trà Nóc

Vấn đề đáng quan ngại hơn là “tư duy” thích xuất khẩu dường như khó thay đổi. Ông Võ Hùng Dũng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết thêm, hiện có rất ít DN xuất khẩu cá tra chịu đầu tư để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng. Lý do bởi có sự cạnh tranh khốc liệt của những sản phẩm cá tra sơ chế thông thường nên biên lợi nhuận của DN ngày càng giảm, thậm chí xuất hiện tình trạng thua lỗ ở nhiều DN.

Cộng thêm năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế nên nhiều DN dè chừng trong việc đầu tư sản xuất các sản phẩm cá tra có giá trị cao. “Một nhà máy chế biến sâu như vậy có thể có hàng trăm loại sản phẩm, hàng trăm loại bao bì khác nhau nên việc quản lý cũng sẽ khác, không còn đơn giản như sản xuất sản phẩm fillet nữa”, ông Dũng cho biết.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết thêm, hiện có khoảng 236 đầu mối tham gia xuất khẩu cá tra, thị trường tiêu thụ được mở rộng ra 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 95% thị phần cá tra trên thế giới, kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt xấp xỉ 1,8 tỷ USD.

Song, công tác xúc tiến thương mại hiện còn nhiều yếu kém, đang có sự tham gia chồng chéo giữa các đơn vị. Các hoạt động hội chợ, triển lãm, hội thảo… vẫn thường xuyên được tổ chức, nhưng chỉ mang tính bề nổi mà chưa đi vào thực chất, nội dung nghèo nàn, gây lãng phí.

Chẳng ai được lợi

Nhiều chuyên gia tỏ ra quan ngại, trong lúc DN “chạy đua” xuất khẩu cá tra fillet, nhưng sản phẩm lại chưa đạt chuẩn chất lượng, nếu thị trường xuất khẩu biến động, cá tra của Việt Nam sẽ lâm vào tình thế khó khăn, như “chơi vơi giữa chợ”.

Ông Nguyễn Văn Vấn, tư vấn độc lập của dự án “Nghiên cứu và xúc tiến kết nối thương mại trong lĩnh vực nông sản, thủy sản và sản phẩm gia cầm” cảnh báo, giá nguyên liệu đầu vào cũng như giá xuất khẩu biến động thất thường, các rào cản thuế quan và phi thuế quan khiến các DN luôn đối mặt với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá…

Đó là những yếu tố khiến cá tra nhiều phen phải lao đao. Tính đến hết năm 2013, Đồng bằng sông Cửu Long có 94 nhà máy chế biến cá tra, tổng công suất thiết kế gần 1 triệu tấn/năm, nhưng công suất chế biến thực tế chỉ đạt từ 50 – 60%.

Ngay cả khi sự chênh lệch lợi nhuận được tạo ra trên mỗi kg cá tra nguyên liệu, khi mà hộ nuôi nhỏ lẻ chỉ thu được 690 đồng còn DN chế biến xuất khẩu là 2.120 đồng, DN cũng vẫn khó khăn trăm bề do cách làm cũ, chậm đổi mới. Đồng thời, do lợi nhuận chủ yếu tập trung vào các DN chế biến xuất khẩu (75,5%) và cá tra chủ yếu chỉ xuất khẩu, số hộ nuôi nhỏ lẻ đang có xu hướng giảm, nhiều người nuôi đã bán diện tích nuôi cá tra cho DN…

Với các hộ nuôi còn tồn tại, theo ông Thạnh, việc nuôi cá tra hiện nay còn mang tính tự phát, chưa hoàn toàn tuân thủ quy hoạch phát triển của ngành hàng, công tác dự báo thông tin thị trường chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tạo được chuỗi liên kết trong chế biến, thương mại, sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng thấp. Đặc biệt, chịu sự cạnh tranh với các sản phẩm thủy sản cùng hạng của Trung Quốc, Thái Lan… cá tra của Việt Nam vẫn chưa phát triển vượt ngưỡng.

Vì vậy, ông Vấn cho rằng để phát triển ngành cá tra một cách bền vững và nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng cá tra, trước hết cần nâng cao con giống, đầu tư hệ thống sản xuất giống đảm bảo 100% giống cá tra đưa vào sản xuất là giống để hình thành nên đàn cá bố mẹ thuần chủng đảm bảo về số lượng và chất lượng.

Đồng thời, cần triển khai các dự án đầu tư vùng sản xuất cá tra tập trung, xây dựng cơ chế hợp tác công tư giữa Nhà nước và DN trong sản xuất giống cá tra. Đặc biệt là cần xây dựng và quảng bá thương hiệu giống cá tra.

Ông Nguyễn phú Sơn nêu sáng kiến, ngay từ bây giờ, các DN tập trung đầu tư nâng cao trình độ công nghệ sản xuất chế biến sản phẩm cá tra ở trong nước, hướng tới khách hàng là những khách du lịch nước ngoài chẳng hạn thay vì chỉ tập trung chú trọng thị trường xuất khẩu như hiện nay. Như vậy, có thể thấy đây chính là thời điểm hợp lý để các DN đầu tư vào chế biến sâu, tạo giá trị gia tăng và ai đi trước sẽ có khả năng giành được cơ hội lớn.

Hà Sơn

Thời báo Ngân hàng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!