Khó khăn khi thiếu “tự chủ”

Chưa có đánh giá về bài viết

Việc sản xuất thức ăn thủy sản của nước ta từ trước đến nay phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI và nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá thành thủy sản nuôi của nước ra cao, đặc biệt, sự ảnh hưởng của nó thể hiện rõ khi thế giới có những biến động.

Nhập khẩu đầu vào vẫn tăng

Trong 6 tháng đầu năm 202, Việt Nam đã chi hơn 1,8 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, giảm nhẹ 1,91% so cùng kỳ năm 2019. Việt Nam nhập khẩu tăng từ các nước trong khu vực, như  từ Singapore với 14 triệu USD, tăng 66,66%, từ  Malaysia hơn 21 triệu USD, tăng 49,46%.

Nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản bao gồm: nguyên liệu có nguồn gốc thủy sản như bột cá, dịch cá, cá thủy phân, các sản phẩm khác từ cá, bột giáp xác, bột nhuyễn thể, bột gan mực, các nguyên liệu khác từ thủy sản được sản xuất làm thức ăn. Nguyên liệu có nguồn gốc động vật, như bột xương, bột thịt, bột thịt xương, bột huyết, sản phẩm từ sữa, bột lông vũ thủy phân. Nguyên liệu từ thực vật như ngô (bắp), đậu tương và sản phẩm đậu tương, sắn (khoai mỳ)…

Tình hình sản xuất tiêu thụ sản phẩm thủy sản gặp khó do COVID-19, nhưng việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản vẫn ở mức cao (trong 6 tháng chỉ nhập khẩu kém năm ngoái chưa tới 2%) cho thấy nền sản xuất thức ăn trong nước đang phải “trông ngóng” dựa vào “ngoại lực”. Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, việc đánh bắt thủy sản, sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước bị đình đốn, có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất thức ăn trong nước.

Thức ăn thủy sản kém chất lượng sẽ gây hại cho người nông dân (Ảnh minh họa)

Việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn cho ngành chăn nuôi, thủy sản, phần lớn cũng là công việc và là thị trường của các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài. Giá bột cá trên thị trường thế giới có dấu hiệu giảm do nhiều nước NTTS và chăn nuôi bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và dịch tả lợn châu Phi. Giá bột cá tại thị trường Peru trong tháng 5/2020 giảm 0,38% so với tháng 4/2020 và giảm 8,33% so với cùng kỳ 2019 xuống 1.385,6 USD/tấn. Có thể do giá giảm, các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu. Tuy nhiên, giá bột cá vẫn khó lường, do đại dịch COVID-19 nên Peru cũng thực hiện cách ly xã hội khiến ngành công nghiệp bột cá và dầu cá của nước này ngừng hoạt động kéo dài. Nhiều giao dịch trên thị trường là sử dụng nguồn bột cá tồn kho, dự trữ.

Thông tin cho biết, do đại dịch COVID-19, Trung Quốc tạm ngưng mua các sản phẩm mỡ cá, bột cá tra được sản xuất tại ĐBSCL đang làm nhiều doanh nghiệp Việt Nam điêu đứng. Các sản phẩm mỡ cá, bột cá tra, đầu cá, xương cá, bụng cá, nội tạng cá, thịt vụn, vè cá… được các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Được biết, phần lớn sản phẩm này của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

 

Sao chưa thể chủ động?

Nghịch lý là trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu bột cá và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản sang Trung Quốc, thậm chí dự kiến xuất khẩu sang Chilê… thì các doanh nghiệp Việt Nam lại nhập khẩu nguyên liệu thức ăn về để sản xuất. Phải chăng giữa các doanh nghiệp trong nước chưa có tiếng nói chung và chưa tạo ra cộng đồng khép kín để hỗ trợ sản xuất trong nước?

Trao đổi với phóng viên, chị Quyên – một chuyên gia 16 năm kinh nghiệm về sản xuất thức ăn của một doanh nghiệp nước ngoài, tiết lộ: “Chúng tôi rất quan tâm đến nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, nếu so sánh thì chất lượng không thua kém hàng nhập khẩu, giá cả lại rẻ hơn. Nhưng cái khó là quy trình của các nhà máy sản xuất thức ăn quốc tế như chúng tôi đều yêu cầu phải sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn cho tôm, cá có chứng nhận quốc tế về chất lượng. Đây là yêu cầu truy xuất nguồn gốc để phục vụ xuất khẩu tôm, cá sau này. Tiếc rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chào hàng chúng tôi nhưng họ lại chưa có được các chứng nhận quốc tế về chất lượng sản phẩm, nên chúng tôi không sử dụng sản phẩm của họ được”.

Một trong những giải pháp trước mắt cũng như lâu dài là tăng cường sản xuất nguyên liệu thức ăn trong nước, tránh phụ thuộc vào nhập khẩu. Nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã và đang quan tâm hơn tới việc sản xuất nguyên liệu, điển hình là bột cá. Thông tin từ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, trung bình mỗi năm sản lượng sản xuất bột cá của tỉnh đạt hơn 24.500 tấn, trong đó tiêu thụ nội địa chiếm khoảng 40% và sử dụng chủ yếu vào chế biến thức ăn chăn nuôi; xuất khẩu khoảng 60%. Với sản lượng bột cá được xuất bán, mỗi năm giá trị đạt khoảng 854 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn thủy sản sẽ giúp ngành này giảm giá thành và chủ động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!