Kinh tế toàn cầu: Những thách thức lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Những cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, lãi suất tăng nhanh và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc – đang cùng lúc phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu. Sự giảm tốc sẽ diễn ra trên diện rộng, nhiều nền kinh tế phải thu hẹp lại và triển vọng không chắc chắn.

Hiện nay lạm phát thế giới đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng lãi suất, đồng USD tăng giá lên mức cao nhất kể từ đầu thập niên 2.000, đây là những dấu hiệu cho sự u ám về kinh tế thế giới và những sức ép mới. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp tỷ giá chỉ được coi là giải pháp tạm thời.

Châu Âu kìm lạm phát

Lúc này, châu Âu buộc phải thắt chặt các chính sách kinh tế vĩ mô để kìm hãm lạm phát, đồng thời giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp bị tổn thương, trước cú sốc kinh tế đối phó với khủng hoảng năng lượng. Xung đột địa chính trị gây thiệt hại ngày càng nặng nề đối với các nền kinh tế tại đây, cùng đó là tăng trưởng ngày càng suy yếu trên khắp các lục địa, trong khi lạm phát không có dấu hiệu giảm.

Các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu chỉ tăng trưởng 0,6% trong năm 2023, trong khi các nền kinh tế mới nổi (trừ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia có xung đột Belarus, Nga, Ukraine) sẽ tăng 1,7%. Con số này đã giảm lần lượt 0,7 điểm phần trăm và 1,1 điểm phần trăm so dự đoán của tháng 7/2022.

Ảnh: Dell EMC

Mùa đông 2022, hơn một nửa quốc gia châu Âu trải qua những đợt suy thoái kỹ thuật, với hai quý liên tiếp có mức tăng trưởng kinh tế âm và mức suy giảm trung bình khoảng 1,5%. Trong khi đó, dù được dự báo giảm trong năm tới, lạm phát vẫn ở mức cao hơn đáng kể so với mục tiêu của ngân hàng trung ương, lần lượt tương ứng 6% và 12% đối với các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi của châu Âu. Tăng trưởng kinh tế và lạm phát có thể diễn biến tệ hơn so với dự báo vốn không mấy khả quan. Các nhà hoạch định chính sách châu Âu, đã nhanh chóng ứng phó với khủng hoảng năng lượng và xây dựng kho dự trữ khí đốt. Tuy nhiên tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng đang tiếp diễn có thể gây thêm nhiều thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu.

Nga cắt hoàn toàn dòng khí đốt còn lại sang châu Âu, cùng với mùa đông lạnh giá, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực, thực phẩm; tổng sản phẩm quốc nội thiệt hại tới 3% ở một số nền kinh tế thuộc miền Trung và Đông Âu, kéo theo một đợt lạm phát khác trên khắp lục địa. Ngay cả khi nguồn cung năng lượng không bị gián đoạn, thì lạm phát vẫn tăng trong thời gian dài. Phần lớn nguyên nhân của lạm phát gia tăng là do giá cả hàng hóa tăng cao, chủ yếu là năng lượng, thực phẩm, đặc biệt ở các nước vùng Tây Balkan. Mặc dù, giá cả các mặt hàng này còn tiếp tục tăng trong một thời gian nữa, nhưng vẫn có khả năng ngừng và góp phần làm giảm lạm phát trong năm 2023.

Cú sốc thứ 3 tại Mỹ Latinh

Đà tăng trưởng vẫn tiếp tục nhưng nguồn tài chính khan hiếm và giá cả hàng hóa đắt đỏ hơn, sẽ làm giảm tốc độ phát triển của các nền kinh tế khu vực Mỹ Latinh, trong khi đó lạm phát vẫn cao. Khu vực này cần ưu tiên chính sách bình ổn giá cả và duy trì bền vững tài khóa, đồng thời bảo vệ các nhóm dễ tổn thương trước cú sốc kinh tế. Khi các quốc gia Mỹ Latinh đang phải vật lộn với hai cú sốc liên tiếp là đại dịch và chiến tranh, thì cú sốc thứ 3 xuất hiện: các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt.

Động lực tăng trưởng kinh tế đang nhen nhóm nhờ sự hồi phục của kênh dịch vụ ẩm thực và hoạt động du lịch. Tuy nhiên, tài chính khu vực này đang hạn hẹp, ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất để chế ngự lạm phát. Dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi đang chậm lại và chi phí vay bên ngoài ngày càng tăng.

Đầu năm 2022, giá cả hàng hóa tại Mỹ Latinh tăng cao và đà tăng trưởng vững chắc đã góp phần giảm bớt các tác động của các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. Nhưng lãi suất cao hơn đang khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc, giảm xuất khẩu, kiều hối và lượng khách du lịch đến khu vực.

Trong dự báo hồi tháng 7/2022, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng mức dự báo tăng trưởng cho Mỹ Latinh và Caribbean năm nay lên 3,5% từ mức 3%. Tuy nhiên, với nhiều thách thức đang đón chờ phía trước, tăng trưởng trong năm tới của khu vực này sẽ giảm tốc nhanh hơn so với dự đoán của IMF vào tháng 7, chỉ ở mức 1,7%.  Nền kinh tế của các nước xuất khẩu hàng hóa, gồm các quốc gia Mỹ Latinh, Mexico và Caribbean có thể suy yếu vào năm tới, do giá hàng hóa thấp hơn làm tăng tác động của việc tăng lãi suất.

Bất chấp tăng trưởng đang chậm, Mỹ Latinh sẽ tiếp tục đối mắt lạm phát cao trong một thời gian nữa. IMF đã nâng mức dự báo lạm phát đối với 5 quốc gia gồm Brazil, Chilê, Colombia, Mexico và Peru ở mức 7,8% vào cuối năm. Giá cả tiêu dùng tại Mỹ Latinh sẽ tăng trung bình 14,6% trong năm nay và tăng 9,5% vào năm 2023. Ngoài lạm phát, giá nguyên liệu thô giảm mạnh và bất ổn xã hội là những rủi ro quan trọng khác đối với các quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh trong thời gian tới. Trong khi lạm phát chưa có dấu hiệu giảm, các quốc gia Mỹ Latinh cần tránh nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm, đồng thời cần tăng cường củng cố tài khóa toàn diện, nhằm duy trì các mục tiêu phát triển xã hội.

Châu Á phân mảnh địa kinh tế

Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang và sẽ phải đối mặt với ba “cơn gió ngược” ghê gớm, có thể sẽ tồn tại dai dẳng. “Cơn gió ngược” đầu tiên là thắt chặt tài chính toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã trở nên quyết liệt hơn nhiều trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao. Điều này đã dẫn đến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn cho châu Á.

“Cơn gió ngược” thứ hai là xung đột ở Ukraine với tác động chính đến khu vực châu Á là giá hàng hóa tăng vọt và hiện vẫn ở mức cao. Hầu hết các quốc gia ở châu Á đã chứng kiến sự suy giảm về khía cạnh thương mại của họ và đây là một yếu tố quan trọng đằng sau sự sụt giảm giá trị của các đồng tiền trong năm nay.

“Cơn gió ngược” thứ ba là sự giảm tốc mạnh ở Trung Quốc. IMF đã hạ mức tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 xuống 3,2%, mức thấp thứ hai kể từ năm 1977, phản ánh tác động của chính sách “Zero COVID” và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động mạnh đến phần còn lại của châu Á.

Mặc dù, các nước ASEAN vẫn hồi phục mạnh trong năm 2022 nhờ dịch vụ, tiêu dùng và xuất khẩu tăng mạnh trở lại nhưng các động lực tăng trưởng sẽ giảm bớt trong năm 2023, do nhu cầu tiêu thụ từ thị trường Âu Mỹ suy yếu hơn, gián đoạn chuỗi cung ứng và điều kiện tài chính thắt chặt hơn. Lúc này cần phải hợp tác quốc tế để gỡ bỏ các hạn chế thương mại, giảm thiểu tác động từ sự thay đổi các chính sách, đồng thời thúc đẩy thương mại mở và ổn định để tránh phân mảnh có hại nhất và để đảm bảo rằng thương mại tiếp tục hoạt động như một động lực của tăng trưởng kinh tế.

>> Theo IMF, dự báo 1/4 nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2023, với mức tăng trưởng giảm xuống mức thấp lịch sử là 2%. Sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu đang lan rộng và dự báo năm 2023 sẽ thấp hơn một nửa so với mức tăng trưởng 6% của năm ngoái.

Gita Gopinath

Phó Giám đốc điều hành thứ nhất IMF

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!