Kỹ thuật nuôi cá chình năng suất cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá chình là giống thủy sản có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện tự nhiên của nước ta. Chính vì thế mà hiện nay, tiềm năng cũng như thị trường tiêu thụ đối tượng này là rất lớn.


Cá chình là đối tượng thủy sản có giá trị cao Ảnh: Phan Thanh

Hình thức

Bể xi măng: Chia thành các bể nuôi cá chình con (bể cấp 1), cá chình giống (bể cấp 2, cấp 3) và cá chình lớn. Bể nuôi có hình chữ nhật hoặc hình vuông. Bể nuôi cá chình con sâu khoảng 1 m, chình giống sâu 1,2 – 1,5 m. Đáy bể được đầm kỹ để không bị rò rỉ nước, độ nghiêng khoảng 3 – 4 độ giúp thuận lợi khi tháo nước và làm vệ sinh bể. Có ống cấp nước vào và tháo ra dễ dàng, nước cấp vào phải trong sạch và bảo đảm theo yêu cầu.

Ao đất: Diện tích khoảng 0,05 – 0,2 ha, nước sâu 1,5 – 2 m. Đáy ao là đất thịt hay thịt pha ít cát, không đào ao ở vùng đất bị nhiễm phèn. Có hệ thống cấp thoát nước độc lập.

Lồng: Thể tích lồng nuôi từ 8 m3 nước trở lên. Lồng nuôi được thiết kế theo hình vuông, không nên nuôi ở nơi nước đứng hoặc nơi nước chảy xiết, dòng chảy quẩn. Vị trí đặt lồng phải thuận lợi về giao thông để tiện trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chăm sóc, quản lý, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ sản phẩm.

Chuẩn bị

Đối với ao đất cần tháo khô nước, dọn sạch cỏ xung quanh bờ và đáy ao, đắp lại các chỗ bị rò rỉ, san bằng đáy ao nghiêng về cống thoát nước. Dùng vôi bột với lượng 10 – 12 kg/100 m2 rải đều xung quanh bờ và đáy ao. Sau đó, cấp nước vào cho đầy bể, ao và thả cá giống.

Bể mới: Cần tẩy rửa bằng phèn chua với nồng độ 0,1 –  0,3 kg/m3, ngâm 5 – 7 ngày; sau đó, xả hết nước, chà và rửa sạch. Bể cũ: dùng Chlorine 50 – 100 g/lít nước tạt khắp bể, sau 5 – 10 ngày thì tiến hành rửa sạch bể. Trước khi thả giống 7 ngày, dùng thuốc tím, liều lượng 2 g/m3 nước tạt đều khắp bể để khử trùng, rửa sạch và cấp nước từ bể chứa đã qua lọc để loại bỏ các chất bẩn hữu cơ, sinh vật hại cá. Nước trong bể ở mức 0,8 – 1 m.

Con giống

Cá giống yêu cầu khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều. Cá có nhớt nhiều, không bị trầy xước, không bị đốm trắng. Cá vận động nhanh nhẹn, không bị dị tật, dị hình. Tuyệt đối không sử dụng cá do đánh điện hoặc do câu. Nên mua từ các cơ sở uy tín, đảm bảo.

Thông thường, các hộ nuôi thường chọn mua giống cá chình cấp 3 (loại 10 con/kg). Đây là cá giống có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh, dễ chăm sóc, giảm tỷ lệ hao hụt.

Cá chình không có vảy nên khi vận chuyển hay bị xây sát và thường có ký sinh trùng bám ngoài da. Vì vậy, trước khi thả, cần tiến hành khử trùng cá trong dung dịch muối ăn 1,5 – 3% (15 – 30 phút).

Tùy vào điều kiện ao, cơ sở vật chất và khả năng đầu tư của người nuôi mà thả mật độ nuôi khác nhau. Tuy nhiên, cá chình là loài nuôi cần đầu tư lớn, không thả dày, nên thả đủ số lượng cá giống một lần và cỡ đồng đều để không ảnh hưởng đến sản lượng.

Thức ăn

Có thể sử dụng 2 loại thức ăn là tươi và thức ăn công nghiệp. Cho ăn theo nguyên tắc 4 định: định chất, định lượng, định thời gian, định địa điểm.

Thức ăn nuôi cá chình phải đảm bảo tỷ lệ đạm 45%. Ngoài ra, tỷ lệ của một số thành phần như mỡ 3%, cellulo 1%, canxi 2,5%, phốt pho 1,3% và có thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Như vậy, đây là loại thức ăn có tỷ lệ bột cá khá cao, mỡ nhiều nên dễ hút ẩm, dễ mốc, phải chú ý bảo quản tốt, thời gian bảo quản không quá 2 tháng.

Thức ăn tươi sống là cá tạp, trai, hến… Thức ăn đảm bảo tươi, trước khi sử dụng, cần phải rửa sạch, sát trùng kỹ. Sau đó, tùy vào kích cỡ của cá mà người nuôi có thể thái nhỏ hoặc để nguyên thức ăn.

Chăm sóc, quản lý

Thực hiện cho cá ăn đúng giờ, khi muốn thay đổi lượng thức ăn, cần thực hiện một cách từ từ, tránh thay đột ngột. Cá chình không thích ánh sáng nên ban ngày đa số cá thường tụ tập vào một chỗ ở góc của ao, bể. Ban đêm mới bơi tản ra để kiếm mồi, vì vậy cá thường ăn mạnh vào thời điểm chiều tối và đêm.

Cho ăn ngày 2 – 3 lần, tổng lượng thức ăn trong ngày khoảng 10 – 20% trọng lượng cơ thể. Bên cạnh đó, dựa vào điều kiện thời tiết, môi trường để điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.

Hàng ngày phải thường xuyên theo dõi quá trình hoạt động của cá để có những điều chỉnh thích hợp. Theo dõi thật kỹ từ cách cho ăn đến sự biến đổi môi trường (ôxy, pH, khí độc). Khi phát hiện cá có dấu hiệu bị nhiễm bệnh cần có biện pháp điều trị kịp thời.

Trong cùng một bể, lồng nên thả cá giống cùng cỡ, cá nhỏ rất dễ bị cá lớn cạnh tranh và chiếm hết thức ăn. Sau 6 tháng nuôi, cá lớn dần phải tách đàn, phân loại để dễ chăm sóc, đảm bảo cho cá phát triển tốt. Trước khi phân cỡ ngừng cho cá ăn 1 ngày để hạn chế hao hụt khi bắt cá.

Thu hoạch

Sau 1 năm, giống cỡ 10 con/kg có thể đạt trọng lượng 1 – 1,5 kg/con thì tiến hành thu hoạch. Trước khi thu hoạch 1 ngày cần ngưng cho cá ăn. Hạ mức nước, kéo lưới sau đó xả cạn nước trong ao để bắt hết số cá còn lại. Giữ cá sống trong các bể có sục khí. Với những con chưa đạt cỡ thương phẩm có thể giữ lại nuôi tiếp. Khi thu hoạch trên bể, nên tháo nước chỉ để còn khoảng 20 cm. Dồn cá vào một góc, chuẩn bị vợt xúc cá đưa vào xô hoặc tráng nhỏ. Đến khi gần hết thì có thể mở van tháo cạn nước để bắt sạch.

Lưu ý, cá chình bơi rất nhanh nên yêu cầu thao tác nhanh nhẹn nhưng nhẹ nhàng tránh cá bị xây xước hoặc tổn thương, ảnh hưởng đến chất lượng cá thương phẩm.

>> Mới đây, Viện Nghiên cứu NTTS II đã thí điểm nuôi thành công cá chình bông bằng hệ thống tuần hoàn (RAS). Nuôi theo công nghệ này, cho tỷ lệ cá sống cao, sạch bệnh, sử dụng ít nước, năng suất cao gấp 4 – 5 lần so nuôi thông thường.

Kim Tiến

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!