Việc thiết lập chuỗi liên kết giữa chủ tàu – doanh nghiệp – cơ sở mua gom sản phẩm cá ngừ đại dương là điều cần thiết. Ðể liên kết này thực sự nâng cao giá trị sản phẩm cá ngừ đại dương, giúp ngư dân tăng hiệu quả kinh tế, cần thêm hỗ trợ từ Nhà nước.
Bình Định hiện có hơn 3.200 tàu đánh bắt xa bờ; trong đó, có 1.418 tàu làm nghề câu cá ngừ đại dương (CNĐD). Năm 2020, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đạt hơn 252 nghìn tấn; trong đó, sản lượng khai thác CNĐD đạt 11.900 tấn.
Tàu câu CNĐD của ngư dân Hoài Nhơn cập cảng Tam Quan bán sản phẩm
Theo ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), những năm qua, tỉnh Bình Định xây dựng chuỗi khai thác CNĐD theo công nghệ Nhật Bản; chuỗi khai thác, tiêu thụ CNĐD của các tàu lưới vây; chuỗi liên kết giữa chủ tàu – DN – cơ sở mua gom CNĐD đã mang lại hiệu quả tích cực, nhất là ngư dân đã tiếp cận và ứng dụng công nghệ của Nhật Bản trong khai thác, bảo quản CNĐD, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Tháng 6.2018, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã chứng nhận nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Ðịnh”. Sản phẩm CNĐD trở thành sản phẩm chủ lực của ngành Thủy sản tỉnh, tạo động lực phát triển nghề biển.
Việc triển khai chuỗi khai thác CNĐD theo công nghệ Nhật Bản được tỉnh thực hiện từ năm 2015 – 2017 đã tạo sự lan tỏa trong ngư dân làm nghề câu CNĐD ứng dụng KHKT trong sản xuất. Ngư dân Phạm Văn Hát ở xã Hoài Hải (TX Hoài Nhơn), chủ 2 tàu câu CNĐD, cho biết: “Hiện nay hầu hết các tàu câu CNĐD đều ứng dụng theo kỹ thuật của Nhật Bản, như sử dụng máy tạo xung Tuna Shocker để làm ngất cá, bảo quản cá bằng cách xả tiết, lấy nội tạng trước khi đưa vào hầm đá theo quy trình Nhật Bản. Chất lượng cá tốt hơn nhờ kỹ thuật này, nhưng lâu nay vẫn chỉ được “mua xô” nên ngư dân thu nhập chưa cao”.
Vấn đề ngư dân quan tâm nhất hiện nay đó là việc thiết lập chuỗi liên kết giữa chủ tàu – DN – cơ sở mua gom sản phẩm CNĐD theo kiểu chất lượng cá gắn liền với giá cả tương xứng. “Do cường lực khai thác tăng, nên sản lượng CNĐD ngày càng giảm, vì vậy muốn tăng hiệu quả kinh tế thì sản phẩm được khai thác, bảo quản đạt chất lượng tốt thì cần được mua giá cao hơn, chứ không phải kiểu CNĐD chất lượng loại A cũng như loại B, C… Chúng tôi mong muốn tham gia vào chuỗi liên kết thì DN mua gom CNĐD theo hợp đồng, giá mua theo phân loại chất lượng, có như vậy ngư dân vừa tăng thu nhập vừa giữ uy tín làm ăn lâu dài với bên mua sản phẩm”, ngư dân Nguyễn Văn Liền ở phường Tam Quan (TX Hoài Nhơn), chủ tàu câu CNĐD BĐ 97534-TS, bộc bạch.
Đầu năm nay, ngành Thủy sản tỉnh phối hợp Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín (100% vốn Nhật Bản, trụ sở ở Khánh Hòa) xây dựng Dự án chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định. Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Trần Kim Dương, việc thực hiện Dự án căn cứ theo Quyết định 38/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh về thực hiện chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Qua đó, nhằm tiến tới xây dựng chuỗi liên kết bền vững, sản phẩm CNĐD có đầu ra ổn định, giá bán cao, tăng thu nhập cho ngư dân, nâng giá trị nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định”; tạo nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu của DN.
“Dự án vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến triển khai từ năm 2021 – 2025, DN sẽ liên kết với 30 tàu câu CNĐD ở TX Hoài Nhơn để thực hiện và có sự hỗ trợ của Nhà nước về tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ kinh phí cho ngư dân đầu tư máy móc, thiết bị khai thác, bảo quản CNĐD theo công nghệ Nhật Bản. DN chủ trì liên kết thực hiện Dự án sẽ mua toàn bộ sản phẩm CNĐD theo hợp đồng ký kết với các chủ tàu, xây dựng kế hoạch phát triển mở rộng liên kết với ngư dân….”, ông Dương cho biết.
Bài, ảnh: Đoàn Ngọc Nhuận
Nguồn: Báo Bình Định