Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 320.000 tấn phụ phẩm tôm, nhưng mới chỉ sử dụng một phần nhỏ. Chưa kể, phần nhỏ này lại thiếu công nghệ để tinh sạch và chiết xuất ra sản phẩm giá trị cao.
Đó là chia sẻ của ông Phan Thanh Lộc – Tổng Giám đốc Vietnam Food về việc doanh nghiệp thuỷ sản có thể “ném tiền qua cửa sổ” nếu như không đầu tư công nghệ đủ sâu để chế biến các phụ phẩm thành nguyên liệu đầu vào của sản phẩm cho ngành khác với giá trị cao hơn.
Điểm nghẽn của chuỗi giá trị sản xuất
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 320.000 tấn phụ phẩm tôm, nhưng mới chỉ sử dụng một phần nhỏ. Chưa kể, phần nhỏ này lại thiếu công nghệ để tinh sạch và chiết xuất ra sản phẩm giá trị cao.
Theo ông Trần Đình Luân – Phó tổng cục trưởng, Tổng cục thủy sản, mặc dù là ngành hàng có giá trị gia tăng cao, nhưng chế biến phụ phẩm thủy sản vẫn chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Vì thế, các doanh nghiệp chưa chuyên tâm đầu tư vào chế biến phụ phẩm, và đây chính là điểm nghẽn trong chuỗi giá trị thủy sản.
Hiện nay Việt Nam mới chỉ thu hồi được 56% từ phụ phẩm, trong khi thế giới đạt trung bình 75%, ở các nước tiên tiến con số này là 95%.
Đuộc biết, cùng 1kg phụ phẩm tôm, nếu bán cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoặc phân bón thì chỉ có giá 2 – 3 nghìn đồng/kg; nhưng nếu được xử lý và tái chế, phục vụ cho ngành sản xuất thực phẩm, thì giá bán sẽ trên 100.000 đồng/kg; còn nếu nghiên cứu chiết xuất ra các chất phục vụ ngành y tế, mỹ phẩm, thì giá bán từ 500 – 600 USD/kg.
Không chỉ con tôm, mà hầu hết các loại phụ phẩm thủy sản đều có thể được xử lý và chiết xuất thành các sản phẩm phục vụ các ngành mỹ phẩm, dược phẩm, y tế… có giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản Việt Nam mới đạt khoảng 275 triệu USD, nhưng nếu khai thác hết nguồn nguyên liệu hiện có, thì có thể đạt 2 tỉ USD. Nếu chế biến phụ phẩm của toàn ngành nông nghiệp, thì mỗi năm Việt Nam có thể tạo ra 5 tỉ USD.
Ví dụ như Công ty Vĩnh Hoàn Collagen là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của cả nước chế biến đầu cá, ruột cá, xương cá, đuôi cá làm bột cá – nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi. Từ năm 2015, Công ty đã xây dựng một nhà máy sản xuất collagen và gelatin từ da cá tra. Theo thông tin từ đại diện doanh nghiệp này, nếu như bán bột cá, mỡ cá thì chỉ có giá 1,2 -1,5 USD/kg, tuy nhiên, sản xuất collagen có thể thu về từ 15-20 USD/kg thành phẩm.
Cũng theo ước tính của doanh nghiệp này, việc tận dụng phụ phẩm có thể gia tăng 15 -25% giá trị cho toàn bộ chuỗi nuôi và chế biến cá tra.
Việc tận dụng phế phẩm thủy sản vừa giúp các ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, dược phẩm, mỹ phẩm, y tế chủ động nguồn nguyên liệu sẵn có; vừa giải bài toán ô nhiễm môi trường, gia tăng giá trị ngành sản xuất và nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân…
Đầu tư công nghệ
Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, chi phí sản xuất tăng, thì việc tận dụng phế phẩm được xem là giải pháp căn cơ, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho doanh nghiệp. Đây cũng là cơ sở giúp doanh nghiệp chuyển tư duy sản xuất từ “chế biến thô” sang “chế biến sâu”, nhằm giảm chi phí, tăng giá trị cạnh tranh, theo mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, trang thiết bị máy móc.
Ông Phan Thanh Lộc cho biết, Việt Nam đang có khoảng 320 triệu tấn phụ phẩm tôm. Nếu dùng cách tính như nước ngoài, phụ phẩm tôm Việt Nam có thể đóng góp ít nhất 10% trong chiến lược giá trị ngành tôm. Nhưng để đạt được điều đó, cần phải đầu tư ‘cho tới’ vào khoa học công nghệ, máy móc thiết bị, cũng như người lao động có tay nghề”.
Bên cạnh sự chủ động đầu tư của doanh nghiệp vào thiết bị, máy móc, công nghệ, thì doanh nghiệp cũng cần sự trợ sức từ chính sách, trong đó có việc nhà nước ban hành những cơ chế hỗ trợ ưu đãi và đặc thù, nhằm khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.
Ngọc Hà
Theo Enternew