T2, 06/07/2020 10:10

Một người “xưa nay hiếm”

Chưa có đánh giá về bài viết

Ông Nguyễn Hồng Cẩn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, năm nay dù đã 89 tuổi vẫn miệt mài đọc sách, viết, suy nghĩ về ngành thủy sản.

Đi đầu trên mọi mặt trận                                  

Quê ông là làng Xuân Đào, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên; nhưng đời ông gắn bó nhiều nhất với các vùng biển, đảo. Ở tuổi gần 90, không chuyên nghề viết, ông vẫn cho ra đời hai cuốn sách, một về quê hương, một về ngành thủy sản. 

Tham gia Việt Minh từ năm 19 tuổi, năm 1946 ông đã được giao chỉ huy Việt Minh ở Đồ Sơn. Ông tham gia cướp chính quyền Kiến An, Hải Phòng. Sau đó, trong kháng chiến chống Pháp, ông hoạt động chủ yếu trong vùng địch hậu. 

Những năm đầu tiên trong nghề thủy sản, ông may mắn được gắn bó nhiều với Hải Phòng, Quảng Ninh, hai tỉnh phát triển thủy sản hàng đầu miền Bắc, nên có nhiều kinh nghiệm quý cho sau này. Có thời kỳ ông làm Giám đốc Sở Công nghiệp Hải Phòng, trong đó có ngành thủy sản. Năm 1974, ông về công tác ở Tổng cục Thủy sản. Năm 1976, ông được cử vào Sài Gòn tiếp nhận các cơ sở thủy sản phía Nam.

Đất nước thống nhất, càng thấy biển lớn quá, đã sớm có nhiều chủ trương phát triển kinh tế biển. Chúng ta muốn muốn đi lên từ kinh tế biển, nhưng theo ông Cẩn thì “kế hoạch ấy phá sản sớm quá”. Khó khăn bấy giờ trước hết do Mỹ cấm vận nên không biết bán thủy sản đi đâu. Ngành thủy sản miền Nam vốn có thị trường lớn trước kia, đột nhiên không còn khách hàng nữa, thế nên càng cần đột phá đổi mới.

>> Ông Nguyễn Hồng Cẩn sinh ngày 5/4/1924 tại Phù Liễn, Kiến An, Hải Phòng. Quê gốc Hưng Yên. Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiến An, nguyên Chính ủy Trung đoàn 550, Quân khu Tả ngạn. Nguyên Phó Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Nam (Seaprodex). Ông là tác giả của một số cuốn sách như: Nghề cá Việt Nam nhìn từ Seaprodex (NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2003); Minh bạch (Tự truyện. NXB Văn học, 6/2010).

Ông Cẩn kể: Một số ý kiến cho rằng nên tạm bỏ ngành thủy sản, không cung cấp tài chính nuôi ngành được nữa. Năm 1978, ông Đỗ Mười (sau là Tổng Bí thư Đảng) hỏi “Bộ Thủy sản định đưa Nhà nước đến đâu? Trước kia 1 tấn dầu thu được 1 tấn cá, giờ 4 tấn dầu mới được một tấn là vì sao?”. Đấy là vì người ta khổ quá, không có gì ăn nên phải bán dầu lấy tiền ăn. Ông Cẩn, với tư cách trợ lý cho Bộ trưởng Hải sản, sau đó làm Thứ trưởng Bộ Thủy sản (1976 – 1992), được coi là một trong những người có công đầu triển khai phát triển ngành thủy sản Việt Nam theo chủ trương đổi mới của Đảng.

 

Làm đâu thắng đó

Ông đi khắp các tỉnh, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long, tìm cách tháo gỡ vướng mắc. “Phải có việc làm cho dân và thị trường xuất khẩu” – Ông hứa với cấp trên và người dân. Bài toán xuất khẩu khi đó thật nan giải. Mỹ cấm vận nên không ai dám mua tôm cá Việt Nam nữa. Phải phá thế bị động, tìm cách khác để đưa tôm cá ra ngoài! Ông liên hệ với Hồng Kông, Nhật, Singapore (những thị trường gần Việt Nam), tìm cách đưa hàng vào Mỹ và ra thế giới. Họ đồng ý hợp tác; nhưng lấy đâu hàng xuất? Khi đó khủng hoảng giá – lương – tiền. Ngân hàng không có tiền cho vay. Ta không có vốn, nhưng vẫn phải làm ăn với quốc tế. Ông đến các công ty sữa, xí nghiệp may, công ty xăng dầu, xin mua hàng trả chậm. Lấy sữa, quần áo về đổi tôm cá cho dân. Thu – đổi tôm cá, đem xuất khẩu lấy đô la trả cho công ty may mặc, xăng dầu.

Cách làm của ông vừa giúp ngành thủy sản vừa giúp nhiều ngành khác tiêu thụ sản phẩm, thu ngoại tệ, trong bối cảnh đồng tiền Việt giảm giá nhiều và nhanh. Ông còn kiếm giúp ngành điện có mấy trăm triệu USD (khi đó quý hơn bây giờ nhiều) để mua máy móc, thiết bị điện khí hóa.

Tôm sú, một thế mạnh xuất khẩu của thủy sản Việt Nam – Ảnh: Phan Thanh Cường

Tích cực mở thị trường sang các nước tư bản, ông không quên thị trường truyền thống. Ông nỗ lực thương thảo với phía bạn Liên Xô và LB Nga sau này; đồng thời rốt ráo chỉ đạo phía Việt Nam mở liên doanh xây dựng nhà máy đông lạnh một thời lớn nhất Nga; cùng đó là hợp tác xuất khẩu thủy sản. Phía bạn không ngờ Việt Nam vừa đánh giặc xong đã sớm làm được điều đó. 

Với vai trò Tổng giám đốc Seaprodex kiêm Chủ tịch Liên đoàn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đồng thời là Thứ trưởng, ông Cẩn vừa có nhiều đóng góp về sách lược, chiến lược, vừa trực tiếp điều hành sản xuất, xuất khẩu. Nhờ tìm được và nắm vững thị trường, sản phẩm tiêu thụ tốt, ngành thủy sản (nhất là các tỉnh phía Nam) nhanh chóng hồi phục, phát triển. 

Ông thường nói: “Nếu biết cách đột phá thì làm đâu thắng đó; đổi mới được các địa phương ủng hộ vì nó đem lại lợi ích cho mọi người”.

Cả đời sáng tạo và vượt khó, đến giờ vẫn đau đáu với nghề, mơ tôm cá nước mình đi khắp thế giới. Được hỏi, ông muốn nhắn gì đến người lao động trẻ ngành thủy sản hôm nay, ông bảo: “Tôi chỉ tiếc tuổi mình đã cao, cống hiến cho ngành không còn được nhiều nữa”.

Ông Cẩn trong số người có công đầu đưa tôm sú vào nuôi công nghiệp ở Việt Nam. Khi  đó, thuê kỹ sư Úc phải trả lương 5.000 USD/tháng. Không dám đột phá thì các công ty nhà nước không dám chi như thế. Nhưng chính  nhờ vậy tôm sú Việt Nam trở thành một sản phẩm xuất khẩu quan trọng, đến tận hôm nay.

>> Thời kỳ sôi động đó, tôi càng thấy rõ năng lực tư duy, sáng tạo, tầm nhìn, nhiệt huyết và sự cống hiến lớn của anh đối với nghề cá nói chung và ngành xuất nhập khẩu nói riêng. Trong đó nổi bật nhất là cơ chế “Tự cân đối, tự trang trải”, nối liền các khâu từ khai thác, nuôi trồng đến chế biến tiêu thụ và xuất nhập khẩu; quan điểm lấy nghề cá nhân dân làm gốc, lấy xuất nhập khẩu làm mũi nhọn, xây dựng hệ thống hậu cần dịch vụ phục vụ nghề cá nhân dân. Cơ chế Tự cân đối tự trang trải được nhóm lên khá sớm, từ đầu thập niên 1980 đầy khó khăn trở ngại, trong vòng vây của cơ chế bao cấp, kế hoạch hóa và khi nghề cá đã tụt dốc xuống tận đáy. Cơ chế mới đã giúp nghề cá chặn được đà tụt dốc và mở đường từng bước vươn lên một cách bền vững. Điều quan trọng là cơ chế mới đã đột phá, mở đường thoát khỏi cơ chế bao cấp, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường.

          (PGS – TS Võ Văn Trác, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Thủy sản)

Nguyên Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!