Nâng cao chất lượng giống, chủ động ứng phó dịch bệnh

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo dự báo, hoạt động nuôi tôm năm nay chịu ảnh hưởng lớn từ El Nino và tình hình dịch bệnh phức tạp. Tổng cục Thủy sản đã ban hành khung lịch thời vụ thả tôm giống trong cả nước. Để hạn chế thấp nhất rủi ro, chất lượng con giống cần được nâng cao hơn.

Thận trọng thả nuôi

Năm 2015, diện tích nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Phú Yên khoảng 2.050 ha; trong đó 405 ha nuôi tôm bị bệnh, mất trắng hơn 55 ha. Hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ và rộng khắp, nhưng dịch bệnh trên thủy sản nuôi vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ diện tích dịch bệnh tăng so với năm 2014. Đặc biệt, một số vùng nuôi tôm của tỉnh xuất hiện triệu chứng tôm nuôi chậm lớn bất thường, chẩn đoán mắc bệnh vi bào tử trùng. Do đó, để hạn chế dịch bệnh trên tôm nuôi, vụ nuôi tôm 2016, Sở NN&PTNT Phú Yên đã hướng dẫn lịch thời vụ cho các địa phương. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở nhận định, các địa phương cần thông báo lịch thời vụ, mật độ thả nuôi tôm năm 2016 đến từng vùng nuôi cụ thể để người nuôi tôm biết, áp dụng. Đồng thời, tăng cường giám sát vùng nuôi, chủ động xử lý các trường hợp thả tôm nuôi trước lịch thời vụ và xử lý triệt để ao nuôi khi có dịch bệnh xảy ra. Cần thực hiện nuôi tôm đúng lịch thời vụ, cải tạo ao nuôi, lấy nước, chọn và mua tôm giống chất lượng tốt. Cùng đó, theo dõi thời tiết để có kế hoạch thả tôm giống, thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn khi tôm có dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không xả nước chưa qua xử lý hoặc tôm chết ra môi trường…

thả tôm giống

Người dân vẫn dè chừng thả tôm – Ảnh: Phan Thanh

Tại Khánh Hòa, lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ năm 2016 đã được ban hành, nhưng do thời tiết bất lợi, nhiều địa phương vẫn chưa tiến hành thả nuôi. Năm 2016 thời tiết diễn biến thất thường, hiện tượng El Nino kéo dài làm nhiệt độ nước tăng cao. Năm 2015 không có mưa lũ lớn, lượng chất thải tích tụ nhiều dẫn đến môi trường nhiều vùng nuôi tôm bị ô nhiễm. Nhằm hạn chế dịch bệnh tôm nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người nuôi chấp hành lịch thời vụ và thực hiện tốt việc nuôi tôm bền vững. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Khánh Hòa đã đề nghị các địa phương thành lập các tổ liên kết cộng động, hướng người nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, khuyến cáo người nuôi tuân thủ nghiêm các hướng dẫn để tránh thiệt hại, không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng theo quy định của Bộ NN&PTNT. Vụ nuôi tôm nước lợ 2016, Khánh Hòa thả nuôi khoảng 500 ha tôm sú và 2.900 ha tôm thẻ chân trắng, giảm hơn 100 ha so với năm ngoái. Đối với diện tích giảm, người nuôi có xu hướng chuyển sang nuôi ốc hương hoặc cá…

 

Áp dụng mô hình tiên tiến

Tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, không chỉ nuôi tôm công nghiệp, nuôi quảng canh cải tiến cũng là điều kiện giúp người dân có thu nhập khá. Phú Tân đã chọn hình thức canh tác này để sản xuất bền vững và ổn định; bởi, loại hình này khá phù hợp điều kiện vốn, kỹ thuật của người nuôi. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến toàn huyện hơn 16.000 ha, tăng 4.000 ha so cùng kỳ năm 2015. Người nuôi tôm Phú Tân cũng hướng đến một số mô hình nuôi tôm hiệu quả hơn, kỹ thuật cao hơn, như nuôi khép kín, nuôi tôm nước  tĩnh, nuôi tôm sử dụng vi sinh và chế phẩm sinh học…

 Sở NN&PTNT Cà Mau lưu ý các đơn vị trực thuộc cần quan tâm hơn nữa trong xây dựng lịch thời vụ sao cho phù hợp tình hình thời tiết cực đoan sắp tới (đặc biệt theo thông lệ, sau El Nino là đến La Nina). Công tác quản lý chất lượng giống, giá vật tư nông nghiệp cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Ngoài ra, Cà Mau sẽ xây dựng những mô hình mẫu về nuôi tôm công nghệ cao để nhân rộng, từng bước nâng cao năng suất và giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Cà Mau đang chú trọng phát triển chương trình tôm giống sạch giai đoạn 2016 – 2020; phấn đấu cung cấp 20 tỷ con giống sạch cho người nuôi vào năm 2020; lượng giống này đáp ứng khoảng 80% nhu cầu. Theo kế hoạch này, Sở NN&PTNT đã tham mưu đầu tư khu sản xuất tôm giống tập trung tại huyện Ngọc Hiển; với trại sản xuất giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 50 ha, sản lượng khoảng 7 tỷ con giống/năm; đang triển khai giai đoạn 2 với 66 ha, sản lượng khoảng 8 tỷ con giống/năm. Khi giai đoạn 2 hoàn thành, sản lượng tôm giống của tỉnh này cơ bản đáp ứng nhu cầu. Hiện nay, nhu cầu tôm giống của Cà Mau mỗi năm khoảng 19 tỷ con tôm sú và 8,5 tỷ con tôm thẻ chân trắng.

Tại Bến Tre, toàn tỉnh có 56 trại sản xuất giống và 81 cơ sở kinh doanh giống thủy sản; trong đó, 42 trại sản xuất tôm giống biển, 11 trại sản xuất giống tôm càng xanh; tổng công suất khoảng 2 tỷ post/năm; chỉ có 3 trại sản xuất giống của C.P, Việt – Úc, Huy Thuận và Hưng Đức có công suất khá lớn (hơn 400 triệu post/năm), còn lại hầu hết các trại sản xuất giống quy mô nhỏ, nhiều trại còn nằm rải rác trong vùng nuôi. Để đáp ứng nhu cầu giống, tỉnh phấn đấu năm 2016 giống tôm sú và giống TTCT đạt 30% nhu cầu giống nuôi thương phẩm; năm 2020, giống tôm sú đạt 80 – 90% nhu cầu giống nuôi thương phẩm.

Để việc cung ứng giống đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu người nuôi, trước mắt, ngành thủy sản Bến Tre tập trung đầu tư nghiên cứu các thiết bị công nghệ, quy trình nuôi, quy trình sản xuất giống tiên tiến; nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật mới về nuôi và sản xuất tôm giống; nâng cao số lượng và chất lượng tôm giống, quản lý con giống nhập tỉnh đảm bảo cung cấp con giống chất lượng tốt.

>> Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất tôm đang nhiều dấu hiệu khả quan, giá tôm tăng nhẹ, tình hình tiêu thụ tôm ở các thị trường lớn khá tốt; dự báo thị trường tiêu thụ tôm năm 2016 sáng sủa. Thời điểm này, hầu hết các sở NN&PTNT đang tập trung khuyến cáo về thời vụ thả tôm nước lợ năm 2016, theo dõi chặt diễn biến nuôi và thực hiện tốt công tác quan trắc môi trường, mầm bệnh để xử lý kịp thời.

Nguyên Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!