Nga: Ngành cua biển đối diện nguy cơ sụp đổ

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngành cua biển của Nga đang đứng bên bờ vực sụp đổ do những lệnh cấm nhập khẩu sắp tới của Mỹ; cùng đó các hãng sản xuất trong nước vẫn chưa tìm được thị trường thay thế phù hợp để chuyển hướng nguồn cung.

Theo thời báo kinh doanh Kemmersant của Nga, cho đến nay, nhiều hãng sản xuất cua hàng đầu Nga đã gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng khi doanh thu cua đông lạnh xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm mạnh. Theo những công ty này, khó khăn ngày càng chồng chất bởi xuất khẩu cua sang Mỹ và châu Âu chiếm tới trên 48% tổng khối lượng xuất khẩu cua của Nga. Thương mại ngành cua bởi vậy mà cũng bắt đầu đình trệ từ khi Mỹ áp dụng các lệnh trừng phạt vào tháng 3, mặc dù lệnh cấm này được gia hạn đến ngày 23/6. 

Các hãng sản xuất cua Nga cho hay, họ không thể tiếp tục vận chuyển cua, ngay cả với các đơn hàng đã ký hợp đồng trước khi Mỹ ban hành lệnh cấm bởi các hãng tàu đã tạm dừng hoạt động tại Nga. Năm 2021, theo ước tính của Cơ quan quản lý ngư nghiệp Nga (Rosrybolovstvo), quốc gia này đã sản xuất được 96.000 tấn cua, trong khi từ tháng 1 đến 23/5/2022, sản lượng cua chỉ còn 31.500 tấn. 

Mỹ là thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng cua đông lạnh của Nga, trong khi hầu hết cua sống được xuất khẩu sang châu Á. Ảnh: Shutterstock

Theo các chuyên gia phân tích và hãng sản xuất cua Nga, thị trường tiêu thụ chính của mặt hàng cua đông lạnh vẫn là Mỹ, trong khi hầu hết cua sống được xuất khẩu sang châu Á. Ông Konstantin Drevetnyak, Tổng giám đốc Liên đoàn khai thác thủy sản phía Bắc Nga, cho biết 90% cua từ lưu vực phía Bắc được xuất khẩu sang Mỹ, còn hầu hết cua thịt chín và đông lạnh cung cấp cho thị trường châu Âu. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cua tại vùng lưu vực phía Bắc Nga lại không có cơ hội xuất khẩu cua sống sang châu Á do địa hình quá xa xôi các thị trường này. 

Vì hầu hết các hãng cua từ vùng Viễn Đông Nga chuyên sản xuất cua đông lạnh nên tàu của họ cần trang bị lại để chế biến cua cho các thị trường châu Á, nhưng điều này lại đòi hỏi thiết bị nhập khẩu. Việc giao hàng đến Nga gần như là không thể trong điều kiện hiện tại. 

Các hãng cua Nga cũng hầu như không thể chuyển một phần cua xuất khẩu sang thị trường nội địa, vì luật pháp của Nga không giống Mỹ và EU đó là không phân biệt asen tự nhiên và vô hại với hóa chất và giới hạn hóa chất trong sản phẩm ở mức rất thấp. 

Hiện các nhà sản xuất buộc phải chuyển hầu hết sản lượng đánh bắt vào kho, nhưng diện tích kho trữ đông cũng giới hạn. Ngoài ra, vụ khai thác cá minh thái vừa kết thúc tại Nga, và một lượng lớn sản phẩm này vẫn đang tồn đọng trong kho dự trữ chưa thể giải quyết do gặp nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển. Mùa khai thác cá hồi sẽ kết thúc vào 1/6, kéo theo nhu cầu sử dụng kho trữ đông thủy sản càng tăng cao. 

Một trong những lựa chọn khả thi cho các hãng sản xuất cua Nga lúc này là chuyển  một phần nguồn cung sang các nước thuộc Liên Xô cũ mặc dù khối lượng này không lớn. Trong khi đó, theo các nhà phân tích của Hiệp hội ngư dân Nga (VARPE), kịch bản bất lợi và xuất khẩu thủy sản của Nga sụt giảm mạnh, thì tổn thất chung của toàn ngành có thể lên đến 4,3 tỷ USD/năm.  

Tuấn Minh

Theo Seafoodnews

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!