Nghệ An: Hiệu quả bước đầu nuôi chạch quế ao đất

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá chạch quế (Misgurnus anguillicaudatus Cantor, 1842) là loài có giá trị kinh tế, được xem là một trong những loài cá đặc sản nước ngọt. Cá dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, ít bệnh, tỷ lệ sống cao, sống trong môi trường nước ngọt và có thể nuôi được trong ao đất, vèo, ruộng lúa, bể lót bạt/xi măng…

Nuôi thương phẩm

 Cá chạch thuộc loại thủy sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và đang có nguy cơ cạn kiệt trong tự nhiên. Việc nuôi cá từ trước tới nay hoàn toàn tự phát; người nuôi không am hiểu quy trình kỹ thuật nuôi nên cá thường xuyên bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế thấp.

Qua tìm hiểu thị trường TP Vinh và vùng lân cận, thấy cá chạch quế được thực khách rất ưa chuộng. Nguồn cá hiện nay chủ yếu được thương lái mua của người dân đánh bắt ngoài tự nhiên, nếu có khách đặt nhiều thì phải lấy mối từ tỉnh lân cận.

Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao, năm 2014, Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An thực hiện đề tài “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dụng mô hình nuôi thương phẩm cá chạch quế trong ao” với quy mô 2.000 m2, mật độ thả 90 con/m2, số lượng giống thả 180.000 con, kích cỡ thả 0,5 g/con (2.000 con/kg).

Sau 5 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 35 con/kg, tỷ lệ sống đạt 60%, hệ số chuyển đổi thức ăn FCR = 1,9. Sản lượng thu hoạch đạt 3.100 kg chạch thương phẩm; Năng suất đạt 15,5 tấn/ha/vụ. Với giá bán thời điểm thu hoạch là 100.000 – 120.000 đồng/kg kg tùy theo kích cỡ, độ đồng đều và chất lượng của cá, tổng thu 341 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 76.500.000 đồng/vụ.

Ảnh: Hồ Hữu Sơn

 

Chủ động nguồn giống

Anh Phan Tiến Chương, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản huyện Yên Lý cho biết, chạch quế là đối tượng dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn, ít bệnh tật, quay vòng vốn nhanh, phù hợp với điều kiện tại Nghệ An, mô hình sẽ tạo được bước đột phá mới trong nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh. Để đạt được hiệu quả cao từ mô hình, trước hết phải cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật, chọn con giống chất lượng tốt để đạt được tỷ lệ sống cao, tránh hao hụt, cỡ cá giống thả ban đầu 0,5 g/con, mật độ thả phù hợp nhất là 90 con/m2. Thức ăn hàng ngày của cá chủ yếu sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi hàm lượng đạm 40%, môi trường ao nuôi phải trong sạch, không để thức ăn dư thừa làm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Định kỳ 1 tuần/lần tạt vi sinh cho ao (Bio-Clear) để phân hủy mùn bã hữu cơ ở đáy ao và ổn định môi trường nước. Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Do tập tính sống thường xuyên nổi lên tầng mặt hớp không khí, khi ăn no nằm phơi mình trên mặt nước nên trong quá trình nuôi hạn chế sử dụng vôi để xử lý nước ao nuôi, chủ yếu sử dụng men vi sinh nhằm hạn chế cá chạch quế bị sốc. Thường xuyên cho nước luân chuyển trong ao, định kỳ 7 – 10 ngày thay 30 – 50% lượng nước trong ao nhằm đảm bảo môi trường ao nuôi luôn trong sạch. Hàng ngày kiểm tra hệ thống bờ ao, cống cấp, cống thoát đảm bảo ao không rò rỉ, gây thất thoát cá.        

Để nghề nuôi cá chạch quế ngày càng phát triển, người nuôi mong muốn được Nhà nước hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, các cơ quan chuyên môn cần đầu tư, nghiên cứu cho sinh sản nhân tạo giống cá chạch quế tại Nghệ An nhằm hạ giá thành con giống, chủ động nguồn giống cung cấp cho phong trào nuôi, góp phần thúc đẩy phong trào nuôi ngày càng phát triển.

Nuôi cá chạch quế không chỉ là gìn giữ được giống thủy sản quý hiếm mà còn là cơ hội để duy trì, nhân rộng, phát triển mô hình giống nuôi thủy sản mới, cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển kinh tế, giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

>> Cá chạch quế có thịt thơm ngon, xương sụn hoàn toàn (nên còn gọi là chạch sụn). Có tác dụng bổ khí huyết, chống lão suy, tráng dương (là thức ăn quý của người già), thanh nhiệt trừ thấp, chữa các bệnh về mật, tụy, trĩ; nhớt của cá chạch có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn mạnh…             

Xuân Nam (Trạm Khuyến nông TP Vinh)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!