T2, 06/07/2020 11:18

Người “cưỡi gió, đạp sóng” trên biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân làng cát Bảo Ninh gắn cho ngư dân Nguyễn Công Hoan (ảnh) – chủ tàu cũng là thuyền trưởng tàu QB 91667 TS, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình là người “cưỡi gió, đạp sóng” trên biển. Anh không chỉ là một ngư dân cần cù, chịu khó, luôn biết cách làm giàu cho gia đình và quê hương, mà còn là một ngư dân có nhiều kinh nghiệm đi biển.

Tiếp bước cha ông

Sinh ra trong gia đình có truyền thống đi biển, ngay từ lúc nhỏ, chàng trai trẻ Nguyễn Công Hoan đã cùng cha vượt sóng ra khơi. Đến nay, anh đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề khai thác thủy sản.

Ngay từ những năm 1998, gia đình anh đã có 2 tàu được xã Bảo Ninh chọn làm mô hình khai thác thủy sản xa bờ đầu tiên. Với nghề vây khơi xa, nhận thấy nguồn lợi từ biển mang lại giá trị kinh tế lớn nên gia đình anh quyết định mua thêm tàu về sửa chữa, cái hoán để phục vụ nghề. Sang năm 2004, cha anh tuổi cao không chịu được sóng gió của biển cả, ông quyết định giao lại toàn bộ cơ nghiệp cho người con trai quản lý.

Tuổi trẻ tài cao, thừa hưởng sự am hiểu biển cả từ người cha cộng với kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đi biển, anh Hoan đã chỉ đạo đội tàu của mình ra khơi thành công, mỗi chuyến biển đều đạt năng suất trên vài chục tấn/chuyến, nâng cao thu nhập gia đình và bạn thuyền, góp phần tăng sản lượng khai thác trên địa bàn.

Thấy gia đình anh làm ăn hiệu quả, nhiều hộ ngư dân khác ở làng cát Bảo Ninh cũng mạnh dạn nâng cấp hoặc cải hoán tàu công suất lớn và học hỏi theo nghề lưới vây khơi của gia đình anh. Các ngư trường đánh bắt quen thuộc ở vùng biển Vịnh Bắc bộ, Quảng Bình, Quảng Trị giờ có thêm nhiều đội tàu khác cùng đánh bắt, nguồn tài nguyên bắt đầu cạn kiệt dần.

Là người nhanh nhạy, anh Hoan quyết định thay đổi ngư trường khai thác. Anh hướng tới những ngư trường xa hơn, sâu hơn, nơi có nhiều nguồn lợi thủy sản phong phú như vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Anh suy nghĩ “Tàu mình muốn đi xa như vậy phải có khả năng chịu được sóng gió lớn và đánh bắt dài ngày trên biển”. Nghĩ là làm, đầu năm 2011, anh đã quyết định đầu tư tất cả 7,6 tỷ đồng – vốn liếng mà gia đình tích lũy được lâu nay cộng với vốn vay ngân hàng để đóng mới chiếc tàu công suất 680 CV, được trang bị đầy đủ các phương tiện khai thác hiện đại cũng như các thiết bị hỗ trợ thông tin liên lạc, cứu hộ và cứu nạn.

Chuyến đi đầu tiên với chiếc tàu công suất lớn, anh cùng 30 lao động trở về sau một tháng lênh đênh trên biển. Tàu anh cập bờ với sản lượng hải sản lên đến trăm tấn với nhiều loài cá có giá trị cao như cá ngừ, cá chim, cá nục bông và cả cá ngừ đại dương. Với kết quả đạt được, chỉ trong thời gian ngắn, anh đã hoàn xong số tiền vay ngân hàng cùng số vốn gia đình bỏ ra để đóng tàu.

Hiện, tùy vào tình hình thời tiết và giá cả, trung bình mỗi tháng đi biển tàu của anh Hoan đánh bắt được 150 – 200 tấn thủy sản.

 

Dày dặn kinh nghiệm

Anh Nguyễn Công Hoan chia sẻ: “Nghề biển may rủi, mỗi chuyến biển là một hành trình đương đầu với vất vả hiểm nguy rình rập. Đã theo nghiệp biển thì không được chủ quan”. Để có thành công, một thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm, thông minh, sáng tạo, biết nắm bắt kịp thời kỹ thuật khai thác tiên tiến vẫn chưa đủ mà luôn phải chu đáo, cẩn thận từng chi tiết, kiểm tra kỹ càng máy móc, ngư cụ, rồi lương thực, nước ngọt… Chính vì vậy, anh luôn cẩn thận nhắc nhở bạn thuyền chuẩn bị kỹ trước mỗi lần xuất bến cho chuyến đi biển xa.

Mỗi tháng tàu cá của anh Hoan đánh bắt được 150 – 200 tấn hải sản

Bên cạnh đó, ngoài những kinh nghiệm tích lũy được, anh Hoan còn thường xuyên trao đổi và học hỏi từ các tàu khác về ngư trường, mùa vụ, đối tượng, kỹ thuật đánh bắt rồi lấy những ý kiến đó làm tài liệu cho riêng mình. Khi đánh bắt, anh luôn cẩn thận, anh chỉ đạo anh em trên tàu phải kiểm tra kỹ hướng gió, dòng chảy, hệ thống đèn báo, lưới, máy tời… để thu cá nhanh gọn trong một mẻ, tránh cá chết nhiều kém giá trị.

Anh Hoan bộc bạch: “Nhiều khi anh em vây lưới gặp đàn cá lớn, không kéo lên hết được, sợ làm bể đáy, mình phải cử các anh em khác lặn xuống chia lưới ra từng phần mới thu hết đàn cá. Nếu không xử lý như vậy, khi sơ suất, đàn cá hơn 50 tấn có khi chỉ thu được 3 – 4 tấn.”

Cũng theo anh Hoan, đối với tàu công suất lớn như tàu của anh thì chi phí cho mỗi chuyến đi biển cũng rất cao từ 400 – 500 triệu đồng, trong một đêm, tàu của anh đã ngốn hơn 700 lít dầu. Vậy nên khi ngư trường ít cá, mình lập tức phải cho tàu di chuyển ngay nếu không sẽ không đủ bù lỗ”.

Điều mà ngư dân Nguyễn Công Hoan băn khoăn nhất hiện nay là vấn đề đầu ra cho sản phẩm: “Để ngư dân yên tâm hơn nữa, ngành chức năng cần quan tâm tới đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập, có như vậy ngư dân mới yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

>> Nhờ biết cách làm ăn, so với các tàu khác trong xã, tàu của ngư dân Nguyễn Công Hoan luôn dẫn đầu về sản lượng khai thác và luôn là “Ngư dân sản xuất giỏi” trong khai thác thủy hải sản của Hội Nông dân xã Bảo Ninh.

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!