Tuy lịch thời vụ nuôi tôm nước lợ bắt đầu từ đầu tháng 3 nhưng tại nhiều địa phương, người dân vẫn chần chừ thả nuôi bởi lo ngại thời tiết nắng nóng sẽ khiến tôm chết yểu.
Ảnh minh họa
Chưa dám thả giống
Ông Trương Thiết (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) cho biết, đầu tháng 4, ông mới mua 20 vạn con giống tôm thẻ chân trắng để thả nuôi trên 1 ao; 3 ao còn lại tuy đã cải tạo xong nhưng ông vẫn chưa dám thả nuôi. Bởi, nuôi tôm trong điều kiện thời tiết thất thường như hiện nay rất dễ thua lỗ, một số hộ xung quanh đìa nuôi của gia đình ông thả giống sớm, gặp phải nắng gắt tôm chết yểu, phần thì rất chậm lớn, cầm chắc lỗ.
Xã Ninh Ích hiện có hàng trăm héc-ta ao đìa nuôi tôm nước lợ. Theo lịch thời vụ, tôm thẻ chân trắng bắt đầu thả nuôi từ nửa cuối tháng 2, tôm sú bắt đầu thả nuôi từ đầu tháng 3. Thế nhưng đến thời điểm này, diện tích thả tôm ở Ninh Ích mới đạt khoảng 30%. Ông Phạm Ngọc Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích cho biết: “Những năm thời tiết thuận lợi, thời điểm này, 100% diện tích ao đìa tại địa phương đã được người dân thả nuôi, tôm đã được 35 – 40 ngày tuổi. Năm nay, người dân vẫn còn thận trọng nên diện tích thả nuôi chỉ mới được 120ha trong tổng số 380ha toàn xã. Hiện nay, nhiều người dân vẫn cải tạo ao đìa chứ chưa thả nuôi, khoảng 50 – 60ha đìa đã được người dân chuyển sang ương cá giống”.
Ông Đặng Cửu – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa cho biết: “Hiện nay chỉ mới khoảng 60% trong tổng số 1.950ha nuôi trồng thủy sản (NTTS) của thị xã đã được xuống giống, chủ yếu là tôm nước lợ và ốc hương… Việc nông dân thận trọng khi thả nuôi là phù hợp, bởi nếu mạo hiểm thả nuôi trong thời tiết này thì rất dễ thua lỗ do thủy sản nuôi dễ chết yểu”.
Trong khi đó, ông Đặng Tri Thông – chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết: “Năm nay, địa phương có 850ha ao đìa, người dân sẽ tập trung nuôi ốc hương và các loại tôm nước lợ, riêng diện tích nuôi tôm hơn 300ha. Từ giữa tháng 2, nông dân đã bắt đầu cải tạo ao đìa, nhưng do thời tiết không thuận lợi nên nhiều người vẫn chưa dám thả nuôi. Diện tích nuôi tôm chỉ mới đạt hơn 50%, diện tích nuôi ốc khoảng 80%. Nắng nóng kéo dài khiến tôm giống và các loại thủy sản nuôi dễ bị sốc thời tiết, dễ bị nhiễm bệnh. Nẵng nóng cũng khiến độ mặn tăng cao, vật nuôi chậm phát triển. Vì vậy, người dân không dám mạo hiểm thả nuôi sớm”.
Nhiều diện tích ao đìa ở các địa phương khác trong tỉnh như: Cam Lâm, Cam Ranh cũng chưa được nông dân thả giống. Hiện nay, toàn tỉnh mới thả nuôi có 1.027ha trong tổng số khoảng 4.000ha ao đìa NTTS.
Thận trọng với thời tiết
Để tránh thiệt hại khi nuôi tôm trong thời tiết bất lợi, ngay từ đầu vụ, Chi cục Thủy sản tỉnh đã có những khuyến cáo cụ thể đến người dân. Hiện nay, chi cục đang tiếp tục chủ động quan trắc môi trường, cập nhật thông tin kịp thời đến người nuôi; giám sát chặt chẽ tình hình NTTS tại các vùng nuôi trọng điểm; phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản; xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh, ứng dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật để nuôi tôm đạt hiệu quả cao.
Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, trong điều kiện thời tiết nắng nóng bất thường hiện nay, trước khi thả tôm 5 – 10 ngày, các hộ nuôi thủy sản cần theo dõi diễn biến thời tiết, nếu thời tiết không thuận lợi thì nên tạm dừng thả giống hoặc lấy ý kiến tư vấn của cơ quan quản lý NTTS tại địa phương; người nuôi nên ương dưỡng con giống qua 2 – 3 giai đoạn và sử dụng con giống cỡ lớn để thả nuôi thương phẩm. Các hộ nuôi trong cùng khu vực có chung hệ thống cấp và thoát nước nên tổ chức nạo vét kênh mương để tăng khả năng cấp thoát nước khu vực nuôi, nên thả giống đồng loạt tại các vùng nuôi tập trung. Trong quá trình nuôi cần theo dõi thường xuyên các yếu tố môi trường trong ao nuôi để kịp thời xử lý; chỉ sử dụng các loại thức ăn, hóa chất, thuốc thú y và chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong NTTS nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Phòng kinh tế các địa phương như: Ninh Hòa, Vạn Ninh cũng đang tiếp tục khuyến cáo người dân thận trọng trong NTTS, nhất là nuôi tôm nước lợ trong điều kiện nắng nóng bất thường hiện nay. Riêng đối với nuôi tôm trong mùa nắng nóng, người dân cần lưu ý duy trì mực nước trong ao nuôi hơn 1,4m; tăng cường quạt nước trong những ngày nắng gắt giúp xáo trộn nước, tránh hiện tượng phân tầng trong ao nuôi. Mật độ nuôi cần vừa phải để dễ chăm sóc và quản lý; định kỳ theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước trong ao nuôi; tăng cường sức đề kháng cho tôm trong giai đoạn thời tiết bất lợi…
Hải Lăng
Theo Báo Khánh Hòa