Nhật Bản: Giá thủy sản tiếp tục leo thang

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Một số nhà sản xuất sản phẩm chả cá hàng đầu của Nhật Bản đã bắt đầu tăng giá từ tháng 2/2022 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Nhà sản xuất chả cá hàng đầu của Nhật Bản, Kibun Foods, có trụ sở tại Tokyo, đã tăng giá các sản phẩm chả cá và một số sản phẩm phụ của mình lên 8% kể từ ngày 28/2. Công ty cho biết trong báo cáo thường niên rằng các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận trong nước cao hơn dự kiến, ví dụ như chi phí nguyên liệu, vận chuyển, đóng gói và năng lượng đều tăng mạnh.

Nhà sản xuất sản phẩm chả cá lớn tiếp theo của đất nước này là Ichimasa Kamaboko có trụ sở tại thành phố Niigata và Sugiyo Co., Ltd. có trụ sở tại thành phố Nanao, tỉnh Ishikawa, cũng đều tăng giá từ 5 – 15% bắt đầu từ ngày 1/3. Ở vị trí thứ 4, nhà sản xuất Kanesada Co., Ltd. có trụ sở tại thành phố Miyoshi, tỉnh Aichi, cũng tăng giá từ 8 – 13%. Và Fujimitsu có trụ sở tại thành phố Nagato, tỉnh Yamaguchi thì tăng thêm 100 JPY (0,76 USD) vào hầu hết các mức giá từ tháng 4.

Giá surimi trong tháng 4 cao hơn 26% so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh hạn ngạch đánh bắt cá minh thái ở Biển Bering Alaska giảm, nhu cầu ở nước ngoài tăng và đồng JPY giảm. Dựa trên số liệu thống kê của Bộ Tài chính nước này, mức giá trung bình khoảng 194.000 JPY/tấn (1.485 USD/tấn) trong tháng 4, tăng so với mức 153.000 JPY/tấn (1.171 USD/tấn) trong tháng 4/2021 và 172.000 JPY/tấn (1.317 USD/tấn) hồi tháng 11/2021 khi nhiều đợt tăng giá bán lẻ được công bố trước đó.

Nhà sản xuất, chế biến hải sản nổi tiếng nước này – Nissui cũng thông báo hôm 28/5 vừa qua rằng Công ty đang có kế hoạch tăng giá các sản phẩm chả cá từ ngày 1/8, từ 5 – 20%, các thực phẩm đông lạnh khác tăng từ 6 – 20%.

Ngoài ra, giá tăng cũng do đồng tiền Nhật Bản đang yếu hơn. Từ tháng 10/2021 đến tháng 3/2022, đồng JPY được giao dịch trong một phạm vi từ 113 – 114 JPY/USD. Nhưng kể từ khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ công bố thắt chặt định lượng, Nhật Bản quyết định giữ lãi suất cực thấp và tỷ giá hối đoái đã tăng lên một mức mới trong khoảng 130 – 131 JPY/USD.

Một phần của điều này bắt nguồn từ việc Nga xâm lược Ukraine. Năm 2021, Nga là nước xuất khẩu lớn nhím biển, cá hồi mắt đen và trứng cá minh thái Alaska sang Nhật Bản. Mặc dù các mặt hàng nhập khẩu này không bị cấm và chỉ bị áp thuế cao hơn, nhưng việc Nga ngừng sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT khiến việc thanh toán trở nên phức tạp.

Kết quả, lượng nhập khẩu giảm và giá các mặt hàng này tăng cao. Ghi nhận ngày 4/6, trứng nhím biển đựng trong hộp vừa và nhỏ đã tăng gần gấp đôi giá tại Chợ Toyosu, trong khi trứng đặc ruột từ Nga tăng 16%. Một mặt hàng xuất khẩu lớn khác của Nga là cua nhưng không được mùa và không được bán đấu giá.

Bên cạnh việc nhập khẩu giảm, lượng mực nhập khẩu trong nước giảm, một phần do ngư dân lớn tuổi nghỉ hưu không có người kế nghiệp nên giá đã tăng. Cá cam nuôi cũng đang tăng giá do số lượng cá giống thả nuôi ít, trong khi chi phí thức ăn tăng cao.

Một điểm sáng hiếm hoi đối với người tiêu dùng là nước ấm lên ở Biển Nhật Bản đã mang lại vụ mùa thu hoạch bội thu cá ngừ và cá bơn, hiện được bán với giá thấp.

Hải Phong

Theo Seafoodsource

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!