T6, 07/01/2022 02:53

“Nhất Đại Mỹ Ngư” dưới lòng đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Symphysodon (Cá dĩa), tên tiếng Anh thường gọi là Discus, thuộc họ Cá rô phi Cichlidae (rô phi vốn là họ cá có rất nhiều loài đẹp). Người Hoa gọi cá dĩa là “Ngũ Sắc Thần Tiên” và xem như là “Nhất Đại Mỹ Ngư” tức là cá đẹp nhất trong các loài cá nuôi để làm cảnh.

Quê hương của cá dĩa là những nhánh sông nhỏ thuộc sông Amazon (Nam Mỹ) là nơi có nhiều cá đẹp và lạ. Cá trưởng thành có kích thước từ 15 – 20 cm, thân hình có dạng tròn như chiếc đĩa, rất dẹp, miệng nhỏ, mang nhỏ và sống hiền hòa theo bầy đàn trong tự nhiên.

Cá dĩa có thân hình trơn láng, hình dĩa tròn, dẹp ngang, màu sắc rất đa dạng với rất nhiều đốm và hoa văn trên cơ thể. Đầu ngắn, mắt khá lớn và linh động. Trên than có nhiều sọc đứng tùy theo loài mà các sọc này có số lượng và độ đậm nhạt khác nhau.

Cá dĩa được chia ra 2 chủng loại chính đó là cá dĩa hoang và cá dĩa thuần chủng. Cá dĩa hoang thì có 4 dòng chính đó là: 

Cá dĩa Heckle (Heckel Discus)

Cá dĩa Heckle thường thấy ở Rio Negro, Rio Abacaxis, Rio Madiera, Rio Nhamunda. Có màu nâu, một số cá thể có màu lam và đỏ, mắt màu bán đỏ hoặc đen. Cá dĩa Heckel nổi tiếng khó nuôi hơn các biến thể cá dĩa khác, chúng đòi hỏi độ pH thấp, nước mềm và ấm. Cá dĩa thuần dưỡng hầu như không có quan hệ huyết thống với cá dĩa Heckel (mà với cá dĩa lam, dĩa nâu và dĩa lục)

Cá dĩa nâu (Brown Discus)

Cá dĩa nâu phân bổ ở Alenquer, Belem, Madiera, Rio Tocantis, Rio Xingu, Santarem. Có màu nâu, một vài cá thể có màu lam, mắt màu bán đỏ. Chỉ trên đầu thường nằm ngang, viền lam sẫm có thể xuất hiện trên vây lưng và vây hậu môn.

Cá dĩa lam (Blue Discus)

Cá dĩa lam được tìm thấy ở chủ yếu Alenquer, Madiera, Maracana, Nhamunda, Terra Santa, Uatuma. Có màu nâu và lam, mắt màu bán đỏ. Chỉ lam trên đầu thường nằm ngang, vây lưng và vây hậu môn thường tươi và nhiều hơn so với cá dĩa nâu. Viền lam sẫm có thẻ xuất hiện trên vây lưng và vây hậu môn.

Cá dĩa xanh lá (Green Discus)

Cá dĩa xanh lá thường phân bổ ở Tefé, Bauana. Biến thể này có một ít chỉ lục trên đầu, vây lưng và vây hậu môn. Hầu hết cá thể khi trưởng thành đều có bụng màu vàng, can mắt hiện rõ kể cả khi trưởng thành. Đa số cá thể đều có một số chỉ ngang trên vai, viền lam sẫm có thể xuất hiện trên vây lưng và vây hậu môn. Ngoài ra, có một vài đốm màu đỏ, còn lại chủ yếu là màu cam.

Bên cạnh đó, còn có một vài cá dĩa khác được lai tạo ra. Giống thông thường của dòng cá lai tạo dược gọi là cá dĩa bông xanh (Turquoise)

Hiện nay giống mới nhất là cá bạch tạng (Snow white hoặc Albino white).

Thức ăn của cá dĩa trong môi trường nuôi nhân tạo thường là trùn đỏ, trùn chỉ, bo bo, lăng quăng hay tim gan bò băm nhuyễn. Cá dĩa không kén ăn, nhưng tương đối khó nuôi vì cá chỉ sống mạnh khỏe ở một môi trường nước thật sạch, độ pH từ 5,5 – 6,5 đến hơi chua, nước mềm và ở điều kiện nhiệt độ từ 28 đến 32oC. Người ta dựa vào những tiêu chuẩn này để làm bể nuôi cá dĩa cho thật phù hợp để cá sống mạnh khỏe.

Cá dĩa có dạ dày đặc biệt, phân nhánh và có vách ngăn. Ruột cá dĩa tương đối ngắn, miệng nhỏ và răng hàm gồm một hàng những gai nhỏ hình chop

Cá dĩa khoảng 10 – 12 tháng là đến tuổi sinh sản. Tại thời điểm này, cá có màu sắc rất sặc sỡ, cá cái thường hung hăng hơn cá đực và hay cắn vào cá đực để báo hiệu đã sẵn sàng cho việc sinh sản. Đôi khi cả hai con bơi sát vào nhau, đầu hướng lên trên, thỉnh thoảng giật đuôi về đối phương. Trong thời kỳ phát dục, gai sinh dục của cá đực thì ngắn và nhọn hơn, trong khi cá cái bằng phẳng, dài và trong hơn. Khi nhìn từ trên xuống ở thời điểm sinh sản, cá cái có hơi béo hơn, do bụng chứa đầy trứng. Khi đẻ, trứng dính lên tổ hay giá thể (thành bể, gạch ngói), cá bố mẹ chăm sóc trứng và cá con. Trứng nở sau 2 – 3 ngày, cá con tiêu hết noãn hoàng sau 3 – 4 ngày và tiếp tục bám trên mình cá bố mẹ để ăn chất nhầy trong khoảng 14 – 18 ngày. Cá bố mẹ nuôi con bằng chất nhầy sẽ mất nhiều sức và thời gian tái phát dục kéo dài hơn

Sức sinh sản của cá dĩa khoảng 200 – 300 trứng tùy từng độ tuổi, kích thước cá. Đối với lần sinh sản lần đầu tiên, cá dĩa thường chỉ đẻ khoảng 150 – 200 trứng và khả năng giữ con cũng kém hơn. Cá dĩa có thể sinh sản quanh năm nhưng vào mùa lạnh thì đẻ ít hơn.

Ánh Dương

Tổng hợp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!