T2, 22/01/2024 07:56

Nhộn nhịp dỡ chà đón Tết

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Vào thời điểm cận Tết, gió bấc thổi xạc xào… người dân châu thổ đồng bằng sông Cửu long bắt tay vào mùa dỡ chà bắt tôm – cá… rất nhộn nhịp để chuẩn bị thực phẩm ăn Tết.

Lưới dùng đóng chà là loại lưới cứng. Ảnh: ST

Dọc dài theo hai bên bờ sông Tiền và sông Hậu thuộc địa bàn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, thành phố Cần Thơ… đang có hàng ngàn đống chà lớn nhỏ bước vào mùa thu hoạch. Với nguồn thu nhập này, bà con sẽ có mua sắm để chuẩn bị đón Tết. Theo “dân chất chà” ở vùng Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang cho biết: “Nghề chất chà khai thác thủy sản cũng tuỳ theo điều kiện và hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình. Nhà nào có đủ khả năng, tiền của thì chất những đóng chà to rộng; còn ít vốn, neo người thì chà vừa và nhỏ. Những đống chà lớn nhỏ thường thể hiện qua diện tích mặt nước và số lượng cac nhánh chà”.

Mùa thu hoạch chà nhộn nhịp cận Tết. Ảnh: ST

Nghề chất chà ven sông, kênh… để khai thác thủy sản kiếm sống là nét hoạt động độc đáo có từ lâu đời của người dân Nam Bộ. Thông thường, người chất chà đều chọn các vị trí thuận lợi để xây chà gồm những bãi đất bồi de ra sông, những nơi đầu vàm, ngã ba, ngã tư sông và cặp theo bến sông… Khi đã chọn được nơi thích hợp, người hành nghề này bắt đầu cặm xuống đáy sông những cây tre, so đũa, bạch đàn, tầm vông… suông, dài khoảng từ  5 – 7 m và buộc chặt với những cây đặt nằm ngang… để tạo nên một diện tích mặt nước hình chữ nhật ven  sông – gọi là xây chà. Tiếp đó, chất bên trong diện tích mặt nước đó một số góc cây, đoạn cây to ở tầng đáy rồi chất tiếp những nhánh chà bằng các loại cây me nước, gáo, xoài, tre… Khi chất xong, chủ đống chà thường rải tấm, cám, xác mắm… để làm mồi dẫn dụ tôm, cá; rồi thả trên mặt nước từng dề lục bình để tạo bóng mát cho các loại thủy sản trú ngụ… 

Ông Nguyễn Văn Hải – người có trên 15 năm trong nghề chất chà bắt cá ven sông ở xã Tân Long đoạn cuối Cù lao Tây, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Theo kinh nghiệm, chà mới chất phải để từ 2 – 3 tháng mới dỡ; còn những đống chà chất lâu thì mỗi tháng dỡ một lần vào thời điểm nước ròng khoảng 20 – 25 âm lịch. Hoạt động dỡ chà rất rộn ràng và tất bật, nhất là khoảng tháng 11 và tháng chạp hằng năm. Đội quân dỡ chà thường là cánh đàn ông, trai tráng lực lưỡng, khéo léo, thuần thục và đã có nhiều kinh nghiệm. Trước khi dỡ chà khoảng 4 – 5 ngày, gia đình tôi luôn chăm sóc đống chà khá cẩn thận, kỷ lưỡng, tránh làm động và thường xuyên rải mồi để nhử và giữ tôm – cá… ở trong đống chà…”

Trúng vụ, gia đình có thể thu hoạch trăm kg cá các loại. Ảnh: ST

Đến ngày dỡ chà, thông thường người hành nghề này phải chờ đến lúc cao điểm của con nước lớn (thủy triều lên) mới sử dụng dàn lưới nilon có viền chì bao quanh đống chà. Tiếp đó, chọn một người thạo nghề lặn ngụp xuống nước kéo viền lưới sát đáy đống chà rồi dùng lạt tre kết chặt lại với nhau… Xong rồi, quăng từng nhánh chà trong đống ra khỏi vồng lưới. Khi các nhánh chà, đoạn cây… đã được quăng ra ngoài, vồng lưới bắt đầu được thu hẹp dần… Lúc này là thời điểm con nước ròng (thủy triều xuống) những con cá chài, mè vinh, cá ngựa… trong vồng lưới không lối thoát thân thường nhảy bắn lên khỏi mặt nước – trông rất ngoạn mục và thật ấn tượng! Ông Hải vui vẻ chia sẻ: “Mỗi lần dỡ chà, gia đình tui thu hoạch cả trăm ký cá các loại và 5 – 7 kg tôm càng xanh. Lần nào trúng cũng kiếm được trên 10 kg tôm càng. Năm nay lũ lớn, tô -cá dồi dào nên dân chất chà tụi tui trúng mùa. Bắt được cá lớn, tôm càng ngon… tui thường gởi tặng cho các anh em trong đội dỡ chà mang về nhà ăn lấy thảo; chừa một mớ cá đem về nhà chia cho dòng họ, bà con chòm xóm để cùng ăn; số còn lại bán cho thương lái ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã có ghe đục chờ sẵn tại nơi dỡ chà để đem đi tiêu thụ khắp nơi…” 

 Xuôi theo dòng Tiền Giang, chỉ một đoạn sông ngắn của huyện Thanh Bình – từ  Cù lao Tây thuộc xã Tân Thạnh xuống đầu cồn Én thuộc thị trấn Thanh Bình (khoảng trên 5 km) đã có tới cả chục đống chà được cất dỡ trong ngày. Cứ vài trăm mét lại có 1 đống chà được dỡ… 

Hiện nay, cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu long tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhưng “món quà” thiên nhiên ban tặng cho con người là vô cùng quý giá. Nghề chất chà bắt tôm – cá… được xem như là một hoạt động kiếm sống độc đáo và đầy tính sáng tạo của người dân đất phương Nam. 

Trần Trọng Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!