Nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Thái Lan tăng cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự thiếu hụt nguyên liệu ngày càng tăng đã khiến ngành thủy sản Thái Lan phải nhập khẩu thủy sản để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu thủy sản cho chế biến.

Theo ITC, năm 2023, nhập khẩu thủy sản tươi sống, đông lạnh và chế biến của Thái Lan đạt 3,95 tỷ USD, tăng 27,4% so với năm 2018. Trung Quốc, Na Uy, Ấn Độ là 3 thị trường cung cấp thủy sản lớn nhất cho Thái Lan. Tháng 01/2024, nhập khẩu thủy sản của Thái Lan đạt 335,1 triệu USD, giảm 9,1% so với tháng 01/2023. Trong đó, Thái Lan giảm nhập khẩu thủy sản từ 5 thị trường cung cấp lớn nhất là: Trung Quốc, Na Uy, Ấn Độ, Đài Loan và Việt Nam, trong khi tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Myanmar, Chile… 

Nguyên liệu thủy sản cho chế biến của Thái Lan rất thiếu. Ảnh: globalseafood.org

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 cho Thái Lan trong tháng 01/2024, giảm 1 bậc so với năm 2023, đạt 20,5 triệu USD, giảm 29,8% so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần thủy sản của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thái Lan giảm từ 6,7% trong năm 2023 xuống còn 6,1% trong tháng 1/2024.

Thái Lan nhập khẩu chủ yếu là cá ngừ các loại do nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu cá ngừ nguyên liệu cho ngành sản xuất cá ngừ đóng hộp xuất khẩu. Các mặt hàng thủy sản nhập khẩu lớn tiếp theo của Thái Lan là mực, cá hồi, cá tuyết và cá thu… Theo số liệu thống kê của ITC, nhiều mã hàng thủy sản của Việt Nam chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng nhập khẩu của Thái Lan như: thịt cá đông lạnh mã HS 030499 chiếm 55,9% trong tháng 01/2024; mực nang, mực ống hun khói, sấy khô, muối hoặc ngâm nước muối mã HS 030749 chiếm 99,4%, fillet cá da trơn đông lạnh chiếm 100%…

Bên cạnh nhu cầu thủy sản cho sản xuất sản phẩm chế biến xuất khẩu, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong nước của Thái Lan được dự báo tăng trưởng 4,0 – 5,0%/năm trong giai đoạn 2023 – 2025. Doanh số bán hàng sẽ được thúc đẩy nhờ tốc độ đô thị hóa và phục hồi ngày càng tăng của ngành du lịch, điều này sẽ hỗ trợ nhu cầu lớn hơn từ các khách sạn, nhà hàng (đặc biệt là các cửa hàng thức ăn nhanh). Trong khi đó, giai đoạn 2023 – 2025, tổng sản lượng của ngành chế biến thủy sản Thái Lan dự kiến sẽ giảm 0,5 – 1,5%/năm. Do đó, dự báo nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Thái Lan sẽ tăng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Lan có hệ thống kênh phân phối đa dạng, tạo nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống này và đến với người tiêu dùng Thái Lan. Bên cạnh đó, Việt Nam – Thái Lan và các nước ASEAN khác cùng tham gia vào nhiều hiệp định, các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các nước đối tác; đặc biệt phải kể đến là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Điều này không chỉ giúp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của hai nước về cơ bản đã được dỡ bỏ, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn tạo thuận lợi cho Việt Nam và Thái Lan hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu sang nước thứ ba.

Anh Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!