(TSVN) – Việt Nam có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi biển với diện tích khoảng 500.000 ha, sản lượng 2 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, ngành thủy sản đặt mục tiêu nuôi biển sẽ mang về 4 – 6 tỷ USD từ xuất khẩu; đồng thời, phát triển theo hướng công nghiệp và bền vững.
Ông Phạm Văn Lưu ở xã An Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) có 5 bè với 20 lồng nuôi cá bớp, thả 10.000 con cá giống. “Nghề nuôi cá lồng bè trên biển của xã phát triển từ năm 2005, đầu tiên có 1 hộ nuôi, đến nay đã có 24 hộ nuôi cá với 45 bè, 125 lồng. Hàng năm thả nuôi trên 40.000 con cá giống các loại, chủ yếu là cá mú, cá bớp, tổng sản lượng xuất bán hàng năm trên 50 tấn”, ông Lưu cho biết.
Cần tháo gỡ nhiều bất cập trong nuôi biển hiện nay. Ảnh: Nam Anh
Các hộ nuôi được tập huấn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông, tự tham khảo thêm qua các phương tiện thông tin đại chúng. Cá bớp sinh sản nhân tạo nên khi thả nuôi khá đồng đều về kích cỡ, chủ động được thời gian thả giống, thức ăn cho cá bớp là cá tạp và thức ăn công nghiệp. Nhưng cũng có nhiều khó khăn, theo ông Lưu, hàng năm phải chuyển dời bè 2 lần theo gió mùa làm tăng thêm chi phí sản xuất. Cá bớp thời gian nuôi dài, mức độ rủi ro về giá khá cao, cá giống có nguồn gốc xuất xứ nhưng giấy chứng nhận kiểm dịch chưa được các cơ sở giống cung cấp cho người nuôi để đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi bán.
Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, nuôi cá lồng bè hình thành từ việc ngư dân đánh bắt cá về nuôi vỗ béo trước khi đưa ra thị trường. Chủ yếu nuôi cá có giá trị kinh tế cao như bớp, mú sao, mú đen, chim… Ban đầu chỉ vài chục hộ nuôi cá lồng bên đảo, nay đã phát triển rộng. Năm 2010 mới có 1.060 lồng, sản lượng 1.400 tấn; năm 2019 đã tăng lên 3.779 lồng, sản lượng 3.555 tấn (tăng bình quân 11%/năm). Dự kiến năm 2020, có khoảng 4.500 lồng, sản lượng 4.300 tấn.
Về kỹ thuật và công nghệ, theo Chi cục Thủy sản, chủ yếu quy mô nhỏ theo kiểu truyền thống (bè gỗ, phao nổi bằng thùng nhựa), còn khá thô sơ. Mỗi bè có 4 – 6 lồng hoặc nhiều hơn tùy theo mức độ đầu tư của người nuôi, một lồng có thể tích 48 – 70 m3 và nuôi nhiều loại cá khác nhau trong một bè. Lồng lưới bằng nhựa, kích cỡ nhỏ. Bè nuôi dễ bị ảnh hưởng bởi sóng lớn, áp thấp nhiệt đới. Vì vậy, người dân thường phải di dời lồng bè từ bên này sang bên kia đảo trong quá trình nuôi. Gần đây, Công ty Trần Phú có đầu tư nuôi cá biển công nghiệp (cá chim, cá hồng mỹ) ứng dụng công nghệ Na Uy (lồng tròn, chất liệu HDPE) đường kính 20 – 30 m tại huyện Phú Quốc.
Tổng cục Thủy sản đưa ra bước tranh khá đầy đủ về thực trạng nuôi biển cả nước. Giống cá biển, có 51 cơ sở sản xuất (miền Bắc có 22 cơ sở, miền Trung 16 cơ sở, miền Nam 13 cơ sở), quy mô nhỏ lẻ. Hàng năm, một lượng lớn giống cá biển (giò, mú, chim vây vàng) phải nhập từ Indonesia, Philippines, Trung Quốc). Năm 2019, nhập gần 19 triệu giống cá biển, khoảng 3,1 triệu USD. Giống tôm hùm cũng nhập chủ yếu từ Indonesia phục vụ nuôi thương phẩm tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Tổng diện tích nuôi biển năm 2019 đạt 57.000 ha với 4,5 triệu m3 lồng nuôi; sản lượng 470.000 tấn. Năm 2020, diện tích ước đạt 70.000 ha và 5 triệu m3 lồng nuôi; sản lượng khoảng 600.000 tấn. Cả nước có 7.447 cơ sở nuôi biển với 248.838 lồng bè, chủ yếu từ bờ đến 3 hải lý có 6.506 cơ sở với 244.402 lồng bè (chiếm 87% sơ sở, 98% lồng bè), còn lại nuôi ở vùng biển ngoài 3 hải lý.
Phần lớn các cơ sở nuôi biển (lồng bè, ao đầm, bãi triều) vẫn áp dụng công nghệ truyền thống, mức độ đổi mới thiết bị, công nghệ còn hạn chế. Công nghiệp chế tạo thiết bị phục vụ nuôi biển còn yếu. Nguyên vật liệu làm lồng, thiết bị phụ trợ chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan. Chưa hình thành công nghiệp chế biến thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường chuyên cho nuôi biển.
Theo Tổng cục Thủy sản, một trong những giải pháp cần thực hiện đó là đẩy mạnh nghiên cứu phát triển thức ăn, thiết bị, công nghệ, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ nuôi biển gắn với đào tạo nguồn nhân lực. Chuyển giao các công nghệ nuôi biển mới hiện đại như: nuôi lồng công nghiệp bán chìm, nuôi trong ao có dòng chảy, bể có hệ thống tuần hoàn, khép kín. Cùng đó, về tổ chức sản xuất cần hoàn thiện và trình phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Đề án Phát triển nuôi biển đến năm 2030. Hoàn thiện quy hoạch hệ thống nghiên cứu, đào tạo, phát triển sản xuất giống tập trung gắn với vùng nuôi biển tập trung, đồng bộ kết nối dịch vụ, thị trường tiêu thụ…
Sáu Nghệ