Nuôi cá đù đỏ – Hướng đi phù hợp

Chưa có đánh giá về bài viết

Cá đù đỏ (Sciaenops ocellatus) thích nghi tốt với môi trường, thịt thơm ngon, được nhiều người ưa dùng. Chúng đang được coi như đối tượng có thể thay thế tôm nuôi tại ao bị dịch bệnh.


Giá trị kinh tế

Cá đù đỏ (cá hồng mỹ), có tốc độ sinh trưởng nhanh, sử dụng được thức ăn công nghiệp và có thể nuôi được ở các loại hình mặn lợ và ngọt, phù hợp nhiều người nuôi. Với giá bán cá thương phẩm trên thị trường 100.000 – 120.000 đồng/kg và thị hiếu người tiêu dùng hiện nay hướng tới sản phẩm sạch, nuôi trong môi trường ít ô nhiễm, cá đù đỏ sẽ là thứ thực phẩm thủy sản được lựa chọn hàng đầu.

 

Đặc điểm sinh học

Cá có màu thân từ xanh nâu trên lưng đến nâu bạc ở bụng, vây đuôi màu tối. Cơ thể hình thoi, dẹp bên, lưng gồ cao, chiều dài gấp 3 – 4 lần chiều cao, vẩy lược lớn vừa và nhỏ, đầu to, miệng rộng, mỗi bên miệng có 2 răng nanh. Vây lưng liên tục, không có khía lõm, gai vây lưng to khỏe, có 10 – 13 tia gai cứng, 9 – 17 tia vây mềm. Vây hậu môn có 3 tia gai.

Cá trưởng thành chiều dài trung bình 45 cm; trọng lượng 2,5 kg. Trong tự nhiên cá sống thành đàn, phạm vi phân bố rộng ở vùng Ấn Độ, Tây Thái Bình Dương. Đây là loài rộng muối nên có thể sống trong nước ngọt, nước lợ, nước mặn, nhưng thích hợp nhất vẫn là nước lợ và nước mặn. Ở biển, chúng thường sinh sống và kiếm mồi ở rạn san hô, nơi có nền đáy cứng hoặc cát, nhiệt độ thích hợp sinh trưởng và phát triển là 18 – 250C, pH 7,5 – 8,5. So với các loài cá khác (tráp, song, cam…) cùng điều kiện nuôi, cá đù đỏ có thể đạt 0,8 – 1 kg sau 10 tháng.

Đây là loài cá dữ nên lúc đói chúng có thể ăn thịt lẫn nhau (cá lớn ăn cá bé).  Khi cá trưởng thành thường di cư đến vùng cửa sông và vùng biển nông để sinh sản. Cá có thể sinh sản sau 3 – 4 năm tuổi, đạt kích thước 3 – 5 kg, mùa vụ sinh sản từ tháng 10 đến 12, sức sinh sản đạt 5 – 10 vạn trứng/kg cá cái. Sau khi đẻ, trứng nở thành ấu trùng dạt vào ven bờ, sử dụng động thực vật phù du làm thức ăn, lớn lên cá sống tập trung thành đàn ở cửa sông; thức ăn chính là cá nhỏ, động vật đáy, giáp xác, mực…; khi trưởng thành, cá có thể sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi.

 

Tình hình nuôi

Năm 1999, cá đù đỏ bắt đầu được nhập và nuôi thử nghiệm tại Việt Nam. Năm 2004, Trạm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản nước lợ Quý Kim, Hải Phòng (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) đã cho sinh sản và ương nuôi thành công.

Hiện, công nghệ sản xuất giống đã được chuyển giao đến nhiều trung tâm và trạm trại giống các địa phương, đáp ứng phần lớn nhu cầu con giống trong nước. Sau một thời gian nuôi, cá đù đỏ đã thể hiện được những đặc tính ưu việt: sinh trưởng nhanh, tính thích nghi cao, phù hợp các loại hình nuôi từ ao đất, bể xi măng cho đến lồng nuôi trong các môi trường nước khác nhau (mặn, lợ và ngọt). Ngoài giá trị kinh tế mang lại, cá đù đỏ còn được coi như một đối tượng nuôi phù hợp trong các ao nuôi tôm sú bị dịch bệnh.

>> Với giá bán cá giống 8.000 – 10.000 đồng/con (cỡ 10 – 12 cm), mật độ thả 1 – 1,5 con/m2 (với ao đầm) và 20 – 25 con/m3 (với lồng nuôi), sau 8 – 10 tháng cá đạt 0,6 – 0,8 kg/con, tỷ lệ sống 80% ở ao đầm và 90% trong lồng bè, mang lại lợi nhuận 35 – 50% sau mỗi vụ nuôi.

Địa chỉ cung cấp giống:

1.Trạm Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản nước lợ Quý Kim – Hải Phòng, Trạm trưởng: Cao Văn Hạnh. Điện thoại: 0983 800 324.

2. Công ty TNHH Trại nuôi cá Sai – Pac, xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Điện thoại: 0643 679  824.

3. Công ty CP Đầu tư & Phát triển thủy sản Bắc Việt, xã Đầm Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Giám đốc: Ngô Vĩnh Hạnh.

Điện thoại:  0912 347 592.

Dương Tử

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!