“Nút thắt” trong chuỗi cung ứng nông sản Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Mặc dù ngành nông nghiệp đã có sự tăng trưởng rất đáng kể, tuy nhiên, lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản vẫn thiếu và yếu, chưa nắm bắt đúng nhịp điệu thị trường… Đây chính là “nút thắt” lớn trong chuỗi cung ứng cho xuất khẩu cần nhanh chóng tháo gỡ.

Phát triển chưa xứng tầm

Trong phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 10/11/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta phải giữ vững sản xuất nông nghiệp, đây là nền tảng, chỗ dựa trong dịch bệnh toàn cầu. Song song với phát triển công nghiệp, dịch vụ kết hợp với kinh tế số, du lịch…; tiếp tục chú trọng phát triển nông thôn mới gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, văn hóa nông thôn…”. Cụ thể, Thủ tướng cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ. Cả nước có nhiều nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm với công nghệ hiện đại đi vào hoạt động, ngoài ra kinh tế hợp tác và doanh nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh.

Hơn 10 năm qua, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hằng năm đạt khoảng 5 – 7%, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hiệu quả hoạt động của ngành và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD; trong 9 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỷ USD thì có tới 5 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD như gỗ, tôm, rau quả, lúa gạo, hạt điều.

Doanh nghiệp chế biến nông sản Việt Nam được xem là đầu tàu trong dẫn dắt chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam. Hiện, hệ thống công nghiệp chế biến nông sản Việt Nam có trên 7.500 doanh nghiệp; công suất chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm. Ngoài ra, hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình phân bố khắp cả nước; các cơ sở này thực hiện sơ chế và chế biến phục vụ chủ yếu cho tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, trên thị trường thế giới, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của việt Nam vẫn chủ yếu tăng về lượng, tỷ trọng hàng hóa chế biến sâu và giá trị gia tăng chưa cao; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng chính tại một số thị trường như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản… đặc biệt là thị trường Trung Quốc; vẫn tồn tại các lô hàng xuất khẩu chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu của thị trường quốc tế.

Mạnh tay thay đổi

Theo Bộ NN&PTNT “Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030” là rất cần thiết trong thực tiễn, nhằm đạt được các mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm với chất lượng cao trong khu vực ASEAN và trên thế giới; có vị thế vững chắc trong chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản và thực phẩm toàn cầu.

Giải pháp để ngành chế biến nông, lâm, thủy sản phát huy nội lực được Bộ NN&PTNT đưa ra như: Chuyển dịch, cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư vào chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực cho công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. 

Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, bản thân nhiều doanh nghiệp cũng đã tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất và đã ý thức được vai trò không thể thay thế của việc bảo đảm chất lượng sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh ở thị trường nội địa.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số trong chế biến nông sản cũng hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay khi chuyển đổi số hứa hẹn mang đến những giá trị mới và bền vững cho ngành nông nghiệp. Đơn cử, bằng cảm biến và hệ thống quản trị dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đang đơn giản hóa việc thu thập, kiểm tra và phân phối tài nguyên nông nghiệp. Một số ngành hàng hoặc sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như chế biến hạt điều, lúa gạo, tôm và cá tra… 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn phải đối mặt với thách thức lớn do tác động của dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Vì vậy, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, tích cực chuyển đổi số trong nông nghiệp hơn nữa nhằm góp phần nâng cao hơn năng suất, hiệu quả của ngành, đồng thời góp phần đảm bảo sự bền vững… 

TS Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, chia sẻ, chế biến không chỉ tập trung vào 49.600 doanh nghiệp trong chuỗi nông sản và còn liên quan đến hoạt động đầu vào, đầu ra. Hiện nay, tại các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Đây là cơ hội để chuyển đổi số thể hiện rõ vai trò.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!