Ngày 12/3, khi đang đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang, anh Nguyễn Hùng (ở thôn Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã phát hiện một cá thể rùa bơi trên phá và mắc kẹt ở dụng cụ đánh bắt thủy sản của gia đình.
Cá thể rùa này có chiều dài thân 50 cm, chiều rộng 40 cm, trọng lượng hơn 12 kg.
Qua kiểm định xác minh của cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, đây là con rùa biển (hay còn gọi là vích), tên khoa học Chelonia mydas thuộc họ vích Cheloniidae, mai cứng, màu xanh, có đốm đen, và là loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam.
Chính quyền địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng và gia đình tiến hành thả con rùa này về với môi trường tự nhiên để chúng sinh sống và phát triển.
Ảnh minh họa: Tiên Minh
Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt rùa biển được phát hiện ở vùng đầm phá của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Gần đây nhất, ngày 19/12/2014 anh Hồ Đức Lâm (26 tuổi, ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) bắt được con rùa biển quý hiếm dài khoảng 90 cm, nặng 50 – 55kg ở vùng biển gần cảng Chân Mây trong lúc đánh cá. Con rùa biển nói trên đã được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Chân Mây đóng ở huyện Phú Lộc thả trở lại môi trường tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã có 10 con rùa biển được phát hiện tại các vùng biển bãi ngang và vùng đầm phá trong thời gian gần đây; trong số này có chín con được cứu hộ thành công, thả về biển; đây được xem là hiện tượng rất lạ. Thời điểm rùa biển được phát hiện nhiều nhất ở Thừa Thiên – Huế là vào tháng Ba, tháng Tư.
Qua nghiên cứu, phải gần 30 – 40 năm thì một con rùa biển mới trưởng thành và tham gia quá trình sinh sản. Những con rùa đực đã nở sẽ không bao giờ quay trở lại bờ biển, còn những con rùa cái sau khi giao phối sẽ quay về chính nơi được sinh ra để đẻ trứng. Mùa đẻ trứng của rùa biển từ tháng 2 – 6 âm lịch. Chúng thường chọn các bãi cát có ít tiếng ồn và ánh sáng vào ban đêm để sinh sản.
Thời gian qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế chỉ biết cứu hộ và vận động ngư dân thả rùa về biển mà không thể nghiên cứu vì không đủ chuyên môn. Sắp tới, tỉnh đã đề nghị một số trường đại học trên địa bàn nghiên cứu để tìm nguyên nhân; đồng thời tổ chức tuyên truyền về ứng xử đối với rùa biển và khen thưởng cá nhân, hộ gia đình chấp hành tốt chủ trương, pháp luật về quản lý rùa biển…