Phòng trị bệnh trên cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Cá tra bị giun sán thì cần xử lý như thế nào?

(Phạm Duy Thao, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang)

Trả lời:

Cá tra hay một số loại cá nuôi thường bị nhiễm sán lá gan, giun móc, giun tròn. Khi bị nhiễm các loại này, cá thường giật mình, ăn yếu, bơi lờ đờ, chậm lớn. Giun sán ký sinh có thể gây tắc ruột, tắc ống dẫn mật hoặc thủng ruột và làm cá chết. Cá dễ bị bội nhiễm các bệnh nhiễm khuẩn như xuất huyết ruột, gan thận mủ… 

Để điều trị, dùng thuốc Nova – Parasite trộn với thức ăn theo liều 1 kg/300 kg thức ăn cho ăn 1 lần/ngày (buổi sáng), liên tục 3 – 5 ngày. Dùng thuốc Praziquantel trộn vào thức ăn, liều lượng 50 – 75 mg/kg thức ăn cho ăn liên tục 4 – 6 ngày. 

Cùng đó, nên kết hợp trộn thêm Vitamin C để tăng sức đề kháng của cá. Nên mua cá giống khỏe mạnh, nuôi mật độ vừa phải 30 – 50 con/m2 và sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá ăn. Định kỳ vệ sinh và thay nước ao (20 ngày/lần), cuối vụ nuôi cần sử dụng chế phẩm sinh học (10 – 15 ngày/lần). Sau khi thả giống nên tẩy giun sán cho cá (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất), sau đó tẩy giun sán định kỳ 3 tháng/lần.

Hỏi: Biện pháp phòng trị bệnh đốm đỏ trên cá tra?

(Nguyễn Thị Loan, xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An)

Trả lời:

Bệnh đốm đỏ do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra. Bệnh còn có tên gọi khác là bệnh xuất huyết hay bệnh nhiễn trùng máu. Bệnh thường xuất hiện hầu như quanh năm, đặc biệt là khi cá bị sốc, môi trường ao nuôi không đảm bảo. Bệnh có các biểu hiện đặc trưng như xuất hiện các đốm xuất huyết ở da, tập trung nhiều ở gốc vây, xung quanh miệng, hầu, hậu môn. Bên cạnh đó, bụng cá phình to, bên trong chứa dịch màu vàng hoặc màu hồng. Các nội tạng như bóng hơi, ruột, tuyến sinh dục cũng xuất huyết. 

Ngoài ra, gan tái nhạt, thận và tỳ tạng xưng to, mềm nhũn, màu đỏ sẫm. Để trị bệnh, cần phải sử dụng các hóa chất để diệt vi khuẩn trong môi trường nuôi như BKC hoặc Iodine. Trường hợp cá vẫn bắt mồi, sử dụng kháng sinh Doxycycline trộn vào thức ăn và cho cá ăn liên tục ít nhất là 5 – 7 ngày, với liều lượng 50 – 80 mg/kg cá/ngày. Cá giảm bệnh, cần bổ sung thuốc bổ gan, men tiêu hóa để cá nhanh hồi phục sức khỏe. Trường hợp cá hương, cá giống bị bệnh, việc điều trị bằng thuốc kháng sinh và đưa thuốc vào cơ thể cá bằng đường miệng (trộn thuốc vào thức ăn) chỉ có kết quả khi cá mới chớm bệnh. 

Vì vậy, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm là rất quan trọng; khi cá bệnh nặng, cá sẽ ăn ít hoặc bỏ ăn nên việc điều trị thường sẽ không mang lại kết quả. Để phòng bệnh, trong quá trình nuôi, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp.

Ban KHKT

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!